Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Đầu tư...

Đó là những doanh nghiệp có nền tảng tốt, chỉ tập trung vào những ngành nghề hoạt động chính, có khả năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt, chỉ số nợ trên vốn ở mức hợp lý và đặc biệt là có đội ngũ quản trị chuyên nghiệp...

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Độc chiêu lách lãi suất ngân hàn

Bên cạnh những hình thức "lách" thông thường như "đi đêm" lãi suất đầu vào với khách, áp dụng ủy thác đầu tư..., một số nhà băng sẵn sàng tư vấn những cách tốt nhất để tiền gửi của khách sinh lời nhiều.

Nhân viên giao dịch một ngân hàng ở phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) thông tin, nhà băng này đang triển khai chương trình ưu đãi lãi suất đối với khách gửi tiền kiểu qua đêm. Theo đó, mức lãi bậc thang qua đêm tại nhà băng này lên tới 9-12,9%, thay vì chỉ vài phần trăm như một số đơn vị khác. Khách được tư vấn mở tài khoản, thay vì làm sổ tiết kiệm, đó gửi tiền vào và hưởng lãi qua đêm.
Nhưng ngân hàng cũng đặt ra một số điều kiện kèm theo là khách hàng cần có số dư trung bình tháng là 20 triệu đồng một ngày (với thẻ VIP). Nếu không đáp ứng số tiền này, khách hàng phải mất phí là 55.000 đồng một tháng.
Theo nhân viên giao dịch, hình thức gửi tiền "ăn" lãi suất qua đêm này phù hợp vớingười có nguồn tiền lớn nhưng lại muốn gửi vào, rút ra linh hoạt.
Cuộc đua vượt trần lãi suất huy động của một số ngân hàng vẫn chưa đến hồi kết. Ảnh minh họa: Tuệ Minh.
Cuộc đua vượt trần lãi suất huy động của một số ngân hàng vẫn chưa đến hồi kết. Ảnh minh họa:Tuệ Minh.
Bên cạnh loại hình ủy thác đầu tư dành cho cá nhân, một số ngân hàng quốc doanh gần đây còn tăng cường chào bán kỳ phiếu cho khách hàng với lãi suất có thể lên tới trên 18% một năm. Trước đây kỳ phiếu thường được ngân hàng triển khai theo đợt, sau khi đã được ngân hàng cấp phép với số vốn huy động nhất định, và không phải lúc nào cũng hút khách. Tuy nhiên, khi lách lãi suất tiết kiệm ngày một khó hơn trước, các ngân hàng phải tận dụng cả cách phát hành giấy tờ có giá này để để "bù đắp" lãi suất cho khách và níu chân dòng vốn. Điều kiện mua kỳ phiếu là lãi suất trả sau, không được rút gốc trước hạn và không linh hoạt chuyển đổi sang kỳ hạn mới, song khách hàng vẫn chấp nhận để được hưởng lãi cao hơn tới 4% so với tiết kiệm.
Một chiêu lách lãi suất khác được các ngân hàng áp dụng, đó là lãi suất phạt trả chậm. Vẫn là sổ tiết kiệm như vậy, nhưng ngân hàng và khách thỏa thuận thêm điều kiện nếu đến ngày đáo hạn mà ngân hàng chưa trả lãi lẫn gốc, sẽ phải "đền bù" cho khách một khoản tương đương 150% lãi suất thông thường. Và việc tất toán sổ sẽ thực hiện theo đúng kịch bản này để khách được hưởng lãi cao.
Hình thức trực tiếp cộng thêm lãi suất cho khách, hiện vẫn được vài ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ áp dụng, dù rất mạo hiểm. Chị Trang, nhân viên tín dụng một nhà băng khác trên phố Láng Hạ, Hà Nội cũng cho hay, bình thường, nếu khách lạ gọi điện đến hỏi, vẫn chỉ nhận được câu trả lời lãi suất chỉ 14% dù số tiền lên đến vài trăm triệu hoặc cả tỷ đồng. Tuy nhiên, khi nhận ra độ tin cậy, nhân viên sẵn sàng tư vấn lãi suất huy động lên tới 17-18% với mức tiền từ 100 triệu đồng trở lên.
Theo chị Trang, khách hàng gửi tiền theo hình thức này vẫn được ghi trong sổ tiết kiệm lãi chỉ 14%. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ mở một tài khoản SMS Banking (thông báo qua điện thoại di động) để người gửi tiền kiểm tra được tài khoản. "Đến hạn tất toán sổ tiết kiệm, chúng tôi sẽ chuyển phần lãi suất vào cho khách", nhân viên này cho hay.
Một khách hàng tên Loan định gửi tiền tại nhà băng này chiều 1/7 kể, nhân viên tín dụng còn xin số điện thoại, và quả quyết: "Em sẽ nhận chị là người quen của em để chị được hưởng lãi suất cao nhất. Vì nếu khách lạ, số lãi sẽ bị giới hạn thấp hơn". Tuy nhiên, chị Loan cho hay, ngay khi vừa gọi điện đến hỏi mức lãi suất gửi tiết kiệm, nhân viên đã hỏi dò "các ngân hàng khác chào lãi suất là bao nhiêu" dù vẫn luôn miệng khẳng định "hiện tại chỗ em chỉ 14% là cao nhất". "Điều này chứng tỏ họ đã sẵn sàng để tư vấn cho khách hàng gửi tiền với lợi suất cao nhất có thể", chị Loan nhận định.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện ngân hàng áp dụng chương trình ưu đãi lãi suất tiền gửi qua đêm nói trên cho biết, việc áp dụng lãi suất cao so với mặt bằng chung là cách để nhà băng này thu hút khách hàng gửi tiền. Bà cho hay, trong thời buổi huy động vốn không dễ dàng, mỗi ngân hàng đều có chiến lược kinh doanh riêng.
Khẳng định không có chuyện lách trần lãi suất huy động 14%, bà này cho hay, việc tung các chương trình ưu đãi nằm trong chiến lược kinh doanh của ngân hàng, và đã được tính toán kỹ lưỡng. Về thắc mắc của một số khách hàng cho rằng mức 20 triệu đồng trong số dư tài khoản trung bình tháng quá nhiều, đại diện nhà băng này nhận định đây là mức trung bình nhất mà nhà băng này đưa ra để có thể phù hợp với nhiều khách hàng. Mặt khác, số dư trung bình tháng chỉ áp dụng với tài khoản VIP, do đó, những người có tài khoản thường nếu chấp nhận lãi ít hơn (chỉ 2-3 % một năm), sẽ không phải duy trì số dư trung bình tháng là 20 triệu đồng, bà nói.
Tuệ Minh

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Tác dụng của việc mua cổ phiếu quỹ


Hoạt động “gom mua” cổ phiếu quỹ: Vẫn khó thay đổi xu hướng thị trường!

Sàn OTC - 7 ngày trước 37 lượt xem
Với chuỗi ngày giảm sâu, giá nhiều cổ phiếu lớn nhỏ trên cả hai sàn theo đó cũng sụt giảm đáng kể, thậm chí nhiều mã đã xuống dưới mệnh giá.
Vì thế, nhiều doanh nghiệp đưa ra quyết định “gom mua” cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ nhằm “trấn an” tâm lý các nhà đầu tư, đồng thời giữ cho giá cổ phiếu của doanh nghiệp không mất giá hơn nữa. Nhưng liệc động thái trên có tạo hiệu ứng tích cực như nhiều doanh nghiệp kỳ vọng? Quanh vấn đề này, dưới đây là cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng Phòng Môi giới Khách hàng Tổ chức Nước ngoài, CTCK Ngân Hàng Sài Gòn Thương Tín.
Tính đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã thông qua việc quyết định “gom” cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ trong mùa đại hội cổ đông thường niên 2011, ông có nhận định gì về động thái trên?
Ông Nguyễn Anh Đức: Như chúng ta đã thấy, đến thời điểm này đã có khá nhiều doanh nghiệp công bố mua cổ phiếu quỹ, điển hình như: CTCP Tập đoàn Hòa Phát đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu, Đường Buorbon 4 triệu cổ phiếu, Thủy sản Hùng Vương mua 5 triệu cổ phiếu, Tổng Công ty Bảo hiểm Dầu khí PVI mua 4 triệu cổ phiếu,… với tổng giá trị đăng ký theo ước tính lên tới trên 1.500 tỷ đồng.
Cá nhân tôi nhìn nhận đây là một động thái bình thường, tự nhiên và thường xảy ra khi thị trường chứng khoán có sự sụt giảm mạnh và giá cổ phiếu rớt sâu. Lý do các doanh nghiệp mua vào cổ phiếu quỹ là do giá thị trường của cổ phiếu đi xuống dưới mức giá trị thực của cổ phiếu mà công ty đánh giá dựa trên hoạt động của doanh nghiệp, triển vọng ngành và triển vọng của công ty. Sau đó khi thị trường phục hồi, giá cổ phiếu tăng trở lại thì công ty sẽ tiến hành bán cổ phiếu quỹ ra thu lợi nhuận hoặc sử dụng nguồn cổ phiếu này để thưởng cho cán bộ công nhân viên.
Việc đăng ký và mua vào cổ phiếu quỹ có một vài lợi ích:
- Bình ổn giá cổ phiếu: Hoạt động mua vào cổ phiếu làm gia tăng lượng cầu của cổ phiếu, từ đó góp phần giảm đà rơi của giá chứng khoán.
- Tâm lý: Thông qua việc công bố mua vào cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp có thể trấn an nhà đầu tư và cổ đông là giá cổ phiếu đang thấp, dưới cả giá trị thực, khẳng định niềm tin vào triển vọng công ty và từ đó làm giảm lượng bán ra cũng như tăng sức cầu đối với cổ phiếu.
- Kỹ thuật: Thông qua việc mua vào làm giảm lượng cổ phiếu đang lưu thông và giảm bớt áp lực bán của cổ đông khi thị trường diễn biến xấu.
Như vậy, việc công bố và thực hiện mua vào cổ phiếu quỹ sẽ có tác động hỗ trợ giá cổ phiếu và để đảm bảo lợi ích của cổ đông khi giá cổ phiếu giảm mạnh như thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên có một thực tế là, nhiều doanh nghiệp có quyết định mua cổ phiếu quỹ song lại không thực hiện “lời hứa”. Theo ông, đâu là những nguyên nhân?
Đúng là thực tế có khá nhiều doanh nghiệp đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ song khi báo cáo lại không hề mua vào hoặc chỉ mua vào số ít trong lượng đăng ký mua. Theo tôi, do hai nhóm nguyên ngân sau:
- Nguyên nhân khách quan:
+ Giá thị trường không đạt mức mục tiêu mua vào của công ty xác định ban đầu, tức là không rớt thấp như công ty mong muốn khi công ty đăng ký mua.
+ Thanh khoản của cổ phiếu thấp, một phần có thể bởi nhà đầu tư găm hàng không bán ra khi có tin công ty mua cổ phiếu quỹ để chờ đợi giá tăng cao hơn mới bán, qua đó dẫn tới việc công ty không mua được đủ khối lượng đăng ký.
- Nguyên nhân chủ quan:
+ Sau thời điểm đăng ký mua cổ phiếu quỹ có những thay đổi bất thường về nguồn vốn, tình hình vĩ mô, thị trường,… dẫn tới việc doanh nghiệp thay đổi quyết định mua của mình.
+ Ngoài ra trên thị trường có khá nhiều doanh nghiệp đơn thuần đăng ký mua để trấn an nhà đầu tư, hỗ trợ giá cổ phiếu nhờ tác dụng tâm lý. Do đó họ đăng ký mua khối lượng cổ phiếu quỹ dù không thực sự mua, hoặc số lượng thực mua ít nhưng đăng ký nhiều lên để nhà đầu tư an tâm… Hay nói cách khác họ sử dụng việc đăng ký mua cổ phiếu quỹ như một thủ thuật để kích giá cổ phiếu. Điều này dẫn tới kết quả là khối lượng mua thực tế khi báo cáo rất ít so với khối lượng đã đăng ký mua.
Việc các doanh nghiệp (DN) gom cổ phiếu quỹ đồng nghĩa một lượng tiền đáng kể sẽ được rót vào thị trường. Theo ông, liệu có thể tạo một “cú hích” về dòng tiền mới trên thị trường trong thời gian tới?
Theo quan điểm cá nhân, tôi không kỳ vọng sẽ có một cú hích đối với thị trường trong thời gian tới từ việc các doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ bởi một vài lý do:
- Dòng tiền: Tuy giá trị ước tính là 1.500 tỷ đồng, nhưng như đã nói ở trên, có thể khối lượng thực mua nhỏ hơn khối lượng đăng ký và do đó lượng tiền rót vào thị trường cũng sẽ thấp hơn con số trên. Ngoài ra, lượng tiền này cũng sẽ không dồn vào thị trường trong cùng một thời điểm do việc mua cổ phiếu quỹ được tiến hành trong một thời gian thông thường là 2 tháng. Chính vì vậy, dù có thêm lượng tiền mới từ hoạt động mua cổ phiếu quỹ của DN thì lượng tiền này cũng không đủ lớn để tác động mạnh tới thị trường. Ngoài ra, trong thời điểm hiện tại khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, lãi suất huy động vốn tăng cao và nguồn tiền vay ngân hàng bị hạn chế thì việc DN bỏ nhiều vốn vào mua cổ phiếu quỹ trong thời điểm này là khá mơ hồ.
- Giao dịch: Việc mua cổ phiếu quỹ bị một số hạn chế về quy định trong giao dịch. Ví dụ như khối lượng cổ phiếu quỹ tối đa mua trong một ngày không được vượt quá 5% tổng khối lượng đăng ký mua hay vượt quá 10% khối lượng của phiên giao dịch trước đó. Do đó hành động mua vào cổ phiếu quỹ sẽ khó có tác động đẩy giá cổ phiếu lên, thay vào đó chỉ có tác dụng nhằm giảm đà rơi của cổ phiếu.
- Cuối cùng là bản chất: Thị trường chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, bao gồm tình hình kinh tế vĩ mô, triển vọng phát triển của doanh nghiệp, kỳ vọng của nhà đầu tư, và dòng tiền trên thị trường. Trong bối cảnh hiện nay khi tình hình vĩ mô chưa ổn định, lạm phát cao, lãi suất huy động vốn cao, nguồn tiền bị thắt chặt, huy động vốn khó, dẫn tới hầu hết các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tình hình hoạt động và triển vọng kết quả hoạt động trong 2011 tương đối ảm đạm thì việc mua vào cổ phiếu quỹ của DN chỉ tác động phần nào tới dòng tiền trên thị trường và ảnh hưởng của việc mua vào cổ phiếu quỹ của DN đối với thị trường sẽ không thực sự lớn. Thay vào đó nó sẽ chỉ có tác động cục bộ tới một vài cổ phiếu nhất định trong ngắn hạn và sẽ khó tạo được đột biến với thị trường.
Thực tế, giai đoạn thị trường suy giảm trong giai đoạn năm 2007, 2008 cũng có khá nhiều doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ nhưng kết quả thị trường vẫn tiếp tục giảm mạnh một thời gian dài trước khi phục hồi do tình hình vĩ mô thuận lợi hơn...
Xin cảm ơn ông!

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Những “nghịch lý” lạ lùng của kinh tế Việt Nam


(VEF.VN) – Kinh tế Việt Nam ẩn chứa những đặc điểm riêng biệt mà cần phải thấu hiểu những đặc thù này mới có thể đưa ra những chính sách kinh tế phù hợp và đạt hiệu quả tốt nhất.
Độc giả Nguyễn Hồng Hải đưa ra một số đặc thù của nền kinh tế Việt Nam mà việc áp dụng các mô hình và giải pháp kinh tế như tại các nước phát triển để giải quyết các vấn đề kinh tế vĩ mô sẽ khó đạt được hiệu quả.
Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả. Mọi ý kiến thảo luận xin gửi về vef@vietnamnet.vn hoặc nhập vào hộp phản hồi phía dưới.
Số liệu thống kê khó chính xác
Nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế tiền mặt, rất nhiều số liệu kinh tế không thể đo lường. Việt Nam cũng là nước đang phát triển nên các công cụ đo lường, thống kê nền kinh tế còn thiếu, các chế độ thông tin, báo cáo còn nhiều sơ hở và chưa minh bạch, công tác kiểm tra giám sát tính trung thực của các báo cáo cũng đang ở mức độ thấp.
Do vậy, nếu dựa vào các thông tin thống kê của một cơ quan nhất định nào đó để áp dụng vào các mô hình và đưa ra giải pháp thì có thể không hiệu quả, vì độ tin cậy và tính chính xác của các con số thống kê tại Việt Nam chưa được bảo đảm. Vì vậy cần phải tham khảo các nguồn thống kê khác nhau, theo các phương pháp thống kê và đo lường, ước lượng khác nhau để cân nhắc đưa vào mô hình con số thống kê hợp lý trước khi đưa ra các quyết sách về kinh tế.
Giảm giá VND không làm giảm nhập siêu
Kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa và nguyên vật liệu do trong nước không sản xuất được, sản xuất phần lớn là gia công,  khi giảm giá VND thì theo lý thuyết kinh tế sẽ giảm nhập siêu ( hỗ trợ xuất khẩu và giảm nhập khẩu).
Kinh tế Việt Nam ẩn chứa những đặc điểm riêng biệt mà cần phải thấu hiểu những đặc thù này mới có thể đưa ra những chính sách kinh tế phù hợp và đạt hiệu quả tốt nhất. (Nguồn: BĐTCP)
Tuy nhiên, trên thực tế VND liên tục giảm giá nhưng nhập siêu của VN vẫn không hề giảm mà thậm chí còn tăng lên, vì chúng ta vẫn không thể giảm được nhập hàng hóa và nguyên vật liệu, do trong nước không thể sản xuất được nên dù có chi phí cao hơn vẫn phải nhập, còn xuất khẩu cũng không hẳn vì thế mà rẻ hơn và cạnh tranh hơn vì nguyên liệu đầu vào cao nên giá xuất khẩu cũng tăng cao. Một số hàng hóa và nguyên vật liệu thô trong nước có thể sản xuất được thì giá trị lại không cao nên dù có tăng cường xuất khẩu thì tỷ trọng cũng không đáng kể.
Siết chặt tiền tệ không làm giảm lạm phát
Thông thường muốn chống lạm phát thì một trong những giải pháp phổ biến là siết chặt tiền tệ. Nhưng tại VN giải pháp này dường như không hiệu quả. Khi siết chặt tiền tệ thông thường nâng lãámuất ngân hàng, lượng tiền của dân sẽ tăng cường gửi vào ngân hàng và doanh nghiệp sẽ hạn chế vay, lượng tiền lưu thông hạn chế hơn sẽ có tác dụng làm giảm giá hàng hóa.
Tuy nhiên, tại VN kể cả khi lãi suất huy động tăng cao thậm chí có khi lên tới 20%/năm nhưng tâm lý gửi tiền của người dân vẫn rất ngắn hạn và có thể rút ra khỏi ngân hàng bất cứ lúc nào, các doanh nghiệp tuy có giảm nhu cầu vay vốn nhưng không giảm được nhiều vì buộc phải duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Cầu về hàng hóa của người dân cũng giảm không đáng kể vì cầu lớn nhất về hàng hóa vẫn là những hàng hóa thiết yếu không thể giảm mạnh hơn khi siết chặt tiện tệ.
Ngược lại, việc nâng lãi suất lại gây một tác dụng làm đẩy chi phí sản xuất và có thể gây ra đình đốn sản xuất, lượng hàng hóa sản xuất ra thiết hụt lại càng đẩy lạm phát lên cao. Ngoài ra, lạm phát do tâm lý tại Việt Nam rất lớn, cứ mỗi lần tăng giá năng lượng là một lần tất cả hàng hóa cơ bản khác " té nước theo mưa". Đồng thời giá cả hàng hóa của VN phụ thuộc lớn và giá cả hàng hóa thế giới do rất nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu trong nước khôgn sản xuất được, nên siết chặt tiền tệ chưa chắc đã làm giảm lạm phát.
Doanh nghiệp hoạt động kém nhưng khó phá sản
Ngoài việc môi trường pháp lý chưa thực sự rõ ràng và thuận lợi cho việc sáp nhập, giải thể và phá sản doanh nghiệp thì một phần do văn hóa kinh doanh " ngại phá sản" của các doanh nhân do tâm lý không muốn bị coi là người "thất bại". Do vậy, nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả nhưng vẫn cứ duy trì đề tồn tại nhưng hoạt động lay lắt, và tình trạng kém hiệu quả cứ được kéo dài triền miên, việc cái tổ và đổi mới cũng khó mà thực hiện được.
Khi nền kinh tế có quá nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả như vậy tuy không tạo ra những sự sụp đổ hàng loạt nhưng lại tạo sự một sự ì ạch rất lớn cho sự phát triển nền kinh tế.

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Tìm hiểu về Dự trữ bắt buộc

Mình học môn Thị trường tiền tệ thấy nói đến phần quản lý dự trữ bắt buộc, ném mỗi công thức ra, chẳng giải thích kỳ xác định là gì, kỳ duy trì là gì. Mình quyết định tìm hiểu. Sau đây là bài tổng hợp, mình thấy khá là hay!

1.         Khái niệm và cơ chế tác động của dự trữ bắt buộc
1.1.   Khái niệm
·     Dự trữ bắt buộc là số tiền mà các TCTD buộc phải gửi tại NHTW theo luật định. Số tiền này có thể được gửi toàn bộ vào tài khoản tiền gửi của TCTD tại NHTW hoặc được để một phần tại quỹ tiền mặt của TCTD tuỳ theo quy định của NHTW từng nước.
·     Theo quy chế dự trữ bắt buộc đối với Các TCTD ban hành theo quyết định số 581/QĐ - NHNN ngày 9/9/2003 của Thống đốc NHNN: “Dự trữ bắt buộc là số tiền mà các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam phải duy trì trên tài khoản tiền gửi thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước”.
·     Trước đây, dự trữ bắt buộc nhằm đảm bảo khả năng thanh toán cho TCTD trước nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng và do đó hạn chế rủi ro thanh khoản cho cả hệ thống. Tuy nhiên, theo thời gian ý nghĩa này giảm dần vì cho dù TCTD có duy trì một mức dự trữ bắt buộc lớn bao nhiêu thì khi rủi ro thanh khoản xảy ra, mức dự trữ này cũng không thể giúp TCTD chống đỡ được nguy cơ phá sản; Mặt khác, TCTD cũng không thể duy trì một mức dự trữ bắt buộc quá lớn vì đặc điểm của dự trữ bắt buộc là ko sinh lời, dự trữ bắt buộc càng cao thì lợi nhuận của TCTD càng giảm, điều này đi ngược lại mục tiêu hoạt động vì lợi nhuận của TCTD; Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ ngân hàng luôn cho phép Các TCTD có thể sử dụng đa dạng các hình thức bảo hiểm rủi ro mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào dự trữ tiền mặt. Chính vì vậy hiện nay các nước thường duy trì một tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp. Theo quyết định số 379/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam ngày 24/02/2009 về việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Các TCTD, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Các TCTD là 1% - 3% , đối với tiền gửi bằng ngoại tệ là 2% - 7% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.
1.2.   Cơ chế tác động của dự trữ bắt buộc
1.2.1.  Tác động đến lượng tiền cung ứng
Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi nếu:
·     NHTW giảm các yêu cầu về dự trữ bắt buộc (giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc)-> vốn khả dụng của các TCTD tăng -> hệ số nhân tiền tăng, cơ sở tiền tệ không thay đổi -> lượng tiền cung ứng tăng.
·     NHTW tăng các yêu cầu về dự trữ bắt buộc (tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc) -> vốn khả dụng của các TCTD giảm -> hệ số nhân tiền giảm, cơ số tiền tệ không thay đổi -> lượng tiền cung ứng cũng giảm.
1.2.2.  Tác động đến lãi suất thị trường tiền tệ
Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi nếu:
·  NHTW tăng  tỷ lệ dự trữ bắt buộc -> Vốn khả dụng của các TCTD giảm
Khả năng cho vay đối với nền kinh tế của Các TCTD giảm    -> Cung vốn giảm
Khả năng tạo tiền của hệ thống ngân hàng giảm   -> m giảm -> MS giảm
Lãi suất thị trường tăng
·  NHTW giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc -> vốn khả dụng của các TCTD tăng -> cung vốn tăng, MS tăng -> lãi suất thị trường giảm.
2.         Dự trữ bắt buộc tại Việt Nam
2.1   Các văn bản áp dụng
·     Quy chế dự trữ bắt buộc đối với Các TCTD ban hành theo quyết định số 581/QĐ - NHNN ngày 9/9/2003 của Thống đốc NHNN
·     QĐ số 1130/2005/QĐ - NHNN của Thống đốc NHNN ngày 1/8/2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế dự trữ bắt buộc.
2.2.   Nguyên tắc dự trữ bắt buộc 
Các TCTD phải duy trì đầy đủ dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc theo nguyên tắc sau:
·     Số dư bình quân tài khoản tiền gửi thanh toán của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước không thấp hơn tiền dự trữ bắt buộc trong kỳ.
·     Số dư tài khoản tiền gửi thanh toán của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước hàng ngày trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc có thể thấp hơn hoặc cao hơn tiền dự trữ bắt buộc của kỳ đó.
                    Cách tính dự trữ bắt buộc cho kỳ duy trì dự trữ bắt buộc 
·     Kỳ xác định dự trữ bắt buộc là khoảng thời gian của tháng trước kể từ ngày 01 đầu tháng đến hết ngày cuối cùng của tháng.
·     Kỳ duy trì dự trữ bắt buộc là khoảng thời gian của tháng hiện hành kể từ ngày 01 đầu tháng đến hết ngày cuối cùng của tháng.
NGuồn blog TC40B- 360 blog
Luật dự trữ bắt buộc: ( các điều khoản quan trọng )
Điều 15. Xác định thừa, thiếu dự trữ bắt buộc.
1. Thừa dự trữ bắt buộc là phần dự trữ thực tế lớn hơn dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc
2. Thiếu dự trữ bắt buộc là phần dự trữ thực tế nhỏ hơn dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc
Cách tính dự trữ bắt buộc, dự trữ thực tế được hướng dẫn thêm tại Phụ lục II đính kèm.
Điều 16. Xử lý thừa thiếu dự trữ bắt buộc.
1. Ngân hàng Nhà nước trả lãi phần thừa dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ vào tài khoản tiền gửi thanh toán của Hội sở chính tổ chức tín dụng theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.
2. Ngân hàng Nhà nước phạt bằng tiền phần thiếu dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng như sau:
a. Trường hợp tổ chức tín dụng thiếu dự trữ bắt buộc lần đầu trong năm sẽ chịu hình thức xử phạt cảnh cáo.
b. Trường hợp tổ chức tín dụng thiếu tiền dự trữ bắt buộc lần thứ 2 trở đi trong năm, Ngân hàng Nhà nước xử phạt bằng tiền phần thiếu đối với Hội sở chính của các tổ chức tín dụng như sau:
Đối với phần thiếu dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam, tổ chức tín dụng chịu phạt theo lãi suất bằng 150% lãi suất tái cấp vốn tại ngày làm việc cuối cùng của kỳ duy trì dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, tính trên phần thiếu hụt cho cả kỳ duy trì dự trữ bắt buộc
Đối với phần thiếu tiền dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, tổ chức tín dụng chịu phạt theo lãi suất bằng 150% lãi suất đô la Mỹ trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng Singapore (SIBOR) kỳ hạn 3 tháng được công bố vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ duy trì dự trữ bắt buộc, tính trên phần thiếu hụt cho cả kỳ duy trì dự trữ bắt buộc.
Về cách tính dự trữ bắt buộc và dự trữ thực tế:
Ví dụ đối với kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 1/2003:
Kỳ xác định dự trữ bắt buộc: từ đầu ngày 01/12/2002 đến cuối ngày 31/12/2002.
Kỳ duy trì dự trữ bắt buộc: từ đầu ngày 01/01/2003 đến cuối ngày 31/01/2003.
Cách tính dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 1/2003:

Tiền dự trữ bắt buộc của từng loại tiền gửi trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 1/2003


=
Số dư tiền gửi huy động bình quân từ ngày 01/12/2002 đến 31/12/2002 của từng loại tiền gửi phải dự trữ bắt buộc


x
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng của từng loại tiền gửi của tổ chức tín dụng

Cách tính số dư tiền gửi huy động bình quân trong kỳ xác định dự trữ bắt buộc:

Số dư tiền gửi huy động bình quân

=
Tổng số dư cuối ngày của tài khoản tiền gửi huy động
từ ngày 01 đến 31/12/2002
.............................................................
31

Cách tính dự trữ thực tế trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 1/2003


Dự trữ thực tế


=
Tổng số dư cuối ngày của tài khoản tiền gửi thanh toán của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước từ ngày 01 đến 31/01/2003
.............................................................................
31


Ví dụ về tính dự trữ bắt buộc và xử lý thừa thiếu dự trữ bắt buộc:
Việc xác định và thông báo dự trữ bắt buộc được thực hiện như sau:
Giả sử ngân hàng thương mại cổ phần đô thị A, trong vòng 3 ngày làm việc đầu tháng 1/2003, báo cáo cho Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước là nơi Ngân hàng A đặt trụ sở chính về số dư tiền gửi huy động bình quân không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 24 tháng trong kỳ xác định dự trữ bắt buộc tháng 12/2002: bằng VND là 800.000 triệu đồng (trong đó tiền gửi huy động có thời hạn từ 12 tháng đến dưới 24 tháng là 200.000 triệu đồng), bằng ngoại tệ là 50.000 ngàn USD (toàn bộ dưới 12 tháng).
Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, trong vòng 5 ngày làm việc đầu tháng 1/2003, trên cơ sở báo cáo số dư tiền gửi huy động bình quân trong kỳ xác định dự trữ bắt buộc tháng 12/2002 do ngân hàng thương mại A gửi về, thực hiện kiểm tra, tính toán và thông báo dự trữ bắt buộc của kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 1/2003 cho ngân hàng thương mại A. Ví dụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng thương mại cổ phần đô thị như sau :
Đối với tiền gửi bằng VND:
Kỳ hạn dưới 12 tháng: áp dụng tỷ lệ là 3%,
Kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 24 tháng: áp dụng tỷ lệ là 1%,
Đối với tiền gửi bằng ngoại tệ:
Kỳ hạn dưới 12 tháng: áp dụng tỷ lệ là 4%
Kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 24 tháng: áp dụng tỷ lệ là 1%
Cách tính dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 1/2003 như sau:
Đối với VND = 600.000 triệu đồng x 3% + 200.000 triệu đồng x 1% = 20.000 triệu đồng
Đối với ngoại tệ = 50.000 ngàn USD x 4% = 2.000 ngàn USD
Việc xử lý thừa thiếu dự trữ bắt buộc được thực hiện như sau:
Giả sử Ngân hàng A có mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại 3 Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước là Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hải phòng và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh. Việc báo cáo và xử lý thừa thiếu dự trữ bắt buộc được thực hiện như sau:
Đối với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước:
Trước 11 giờ ngày làm việc, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố Hải phòng và thành phố Hồ Chí Minh truyền số dư tài khoản tiền gửi thanh toán bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng A cho Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước để tổng hợp.
Đối với Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước:
Trong vòng 3 ngày làm việc đầu tháng 2/2003, trên cơ sở số dư tài khoản tiền gửi thanh toán bằng đồng Việt Nam cuối ngày của Ngân hàng A do các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước truyền về, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thực hiện tổng hợp tính toán số dư bình quân tài khoản tiền gửi thanh toán của Ngân hàng A tại Ngân hàng Nhà nước và số dư tài khoản tiền gửi thanh toán bằng ngoại tệ tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Giả sử số dư tiền gửi bình quân của Ngân hàng A do Sở Giao dịch tổng hợp tính toán là:
Đối với VND = 50.000 triệu đồng.
Đối với USD = 1.800 USD
Ví dụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định:
Ngân hàng Nhà nước trả lãi đối với phần thừa dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt nam theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức tín dụng gửi tại Ngân hàng Nhà nước (giả sử mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước bằng đồng Việt Nam là 0,1%/tháng)
Ngân hàng Nhà nước phạt phần thiếu dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ theo lãi suất bằng 150% lãi suất đô la Mỹ trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng Singapore (SIBOR) kỳ hạn 3 tháng được công bố vào thời điểm cuối cùng của kỳ duy trì dự trữ bắt buộc (giả sử SIBOR 3 tháng là 1,4285%/năm)
Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước xử lý thừa thiếu dự trữ bắt buộc cho Ngân hàng A như sau:
Đối với VND:
Dự trữ bắt buộc VND là: 20.000 triệu đồng
Dự trữ thực tế VND là: 50.000 triệu đồng
Thừa dự trữ bắt buộc VND là: 30.000 triệu đồng (=50.000-20.000)
Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước trả lãi cho phần thừa dự trữ bắt buộc vào tài khoản tiền gửi thanh toán của Ngân hàng A tại Sở Giao dịch là: 30.000 triệu đồng x 0,1% = 30 triệu đồng.
Đối với USD:
Dự trữ bắt buộc USD là: 2.000 ngàn USD
Dự trữ thực tế USD là: 1.800 ngàn USD
Thiếu dự trữ bắt buộc USD là: 200 ngàn USD (= 2.000 - 1.800)
Sở Giao dịch phạt phần thiếu dự trữ bắt buộc trên tài khoản tiền gửi thanh toán của Ngân hàng A tại Sở Giao dịch là:
= 200 ngàn USD x 150% x (1,4285%/năm : 12 tháng)
= 0,357125 ngàn USD
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố Hải phòng và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh không phải là nơi Ngân hàng A đặt trụ sở chính, không phải trả lãi cho tài khoản tiền gửi thanh toán bằng đồng Việt Nam của chi nhánh Ngân hàng A tại Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước.