Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

[Nhật ký chứng khoán] Lạnh lùng như...tôi :))

Nghe tiêu đề oai vãi chưởng. 25/4 chốt lời REE, mua 13.8, bán 17.8. Mình không nghĩ là REE sẽ giảm, nhưng thôi ăn thế thôi, chẳng muốn theo dõi nữa.
Thị trường giảm giá, có người đặt giá đỏ REE, khớp lệnh 17.4 17.3. Mình chẳng thèm để ý, đặt mục tiêu lãi 4000, đặt luôn 17.8 chẳng thèm xuất hiện trên bảng giá luôn. Xong, đọc tiếng anh tiếp.
Ting ting khớp lệnh hehe. Đỡ phải theo dõi nhiều mệt đầu. Theo cảm giác của mình thì chắc là nó tăng tiếp, nhưng m không muốn theo dõi nữa, thế thôi. Đạt mục tiêu sinh lời rồi thì thôi, không nên cố ríu ở cái thị trường sideway này. Lạnh lùng lạnh lùng haha

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

[Nhật ký chứng khoán] Tăng trần

3 cổ phiếu mình sở hữu, REE, PSG, NVT đều đồng loạt tăng trần cùng một lúc. Hôm trước mình đã cắt bỏ NVT đúng đáy, kể cũng hơi tiếc nhưng không sao. Tiền là để cho thoải mái, không mua sự lo lắng vào người làm gì, NVT là đáng để loại bỏ.
Nhìn REE và PSG tăng trần, thực sự mình chẳng thấy vui gì cả. Mình lãi REE 3000 một cổ phiếu rồi, bù được chỗ lỗ NVT, tuy nhiên với vốn nhỏ của mình, cái khoản lãi ấy thật chẳng đáng kể gì. Thực sự mình muốn sở hữu nhiều REE hơn nữa, nó rất có giá trị.
Cái con PSG cứ liệu hồn đấy, cứ tăng trần nữa đi để tao còn cắt. Tao cũng không thích m lắm đâu.

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Đầu tư chứng khoán năm 2011: Những ”thất bại” nguy hiểm cần được ôn lại



Những kinh nghiệm ”thất bại” bổ ích này sẽ giúp nhà đầu tư tự tin hơn khi phải đối diện với năm 2012 được dự đoán tiếp tục biến động khá phức tạp và khó lường.

Mạnh dạn cắt lỗ và chiến lược phòng ngừa rủi ro

Chưa có năm nào mà bài học cắt lỗ lại được nhắc đến với một tần suất cao như năm nay.

Giới đầu tư chứng khoán Việt dường như rất ít khi xác định ngưỡng cut loss trước khi mua cổ phiếu. Ngược lại, khi đã mua cổ phiếu, điều mà nhà đầu tư thường nghĩ đến đầu tiên là giá sẽ lên cao đến mức nào.

Năm 2011 thực sự là năm hạn đối với nhà đầu tư dạng này, khi mà những đợt giảm giá kéo dài và nặng nề xuất hiện liên tục.

Có nhà đầu tư than rằng: ”Kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán là thứ rút mãi chẳng bao giờ hết vì chẳng có cái dại nào giống cái dại nào”.

Thiết nghĩ đây cũng là điều hợp lý khi nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ trong lịch sử.

Dưới đây là một ví dụ điển hình trên VN-Index về việc cắt lỗ trong năm 2011.

Khi VN-Index chạm vùng 375 – 380 điểm vào đầu tháng 12/2011 thì việc bắt đáy tỏ ra rất hợp lý khi mà vùng này liên tục trụ vững trong 2 đợt thoái lùi mạnh trước đó.

Tuy nhiên, khi VN-Index xuyên thủng vùng này và đồng thời phá vỡ luôn cả internal trendline vào trung tuần tháng 12/2011 thì việc cắt lỗ là một quyết định sáng suốt; bởi sau đó chỉ số đã rơi vào chu kỳ điều chỉnh mạnh kéo dài gần 3 tuần.

Việc phòng ngừa rủi ro, cụ thể là một chiến lược cắt lỗ hợp lý khi những dự đoán trước khi mua bị đảo lộn là hết sức cần thiết.


”Đầu tư dài hạn” liệu có còn hiệu quả?

Một trong những đặc điểm đáng chú ý của thị trường mới nổi là thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường tài chính nói chung biến động nhiều hơn và khó dự đoán hơn.

Điều này cũng góp phần giải thích tại sao việc đầu tư dài hạn ở Việt Nam trong nhiều năm qua không đem lại hiệu quả cao như các thị trường phát triển.

Mặt khác, khái niệm ”đầu tư dài hạn” ở Việt Nam đôi khi là sự biện hộ cho tình trạng ”kẹp hàng dài ngày”.

Trên thực tế, giới đầu tư thường hy vọng giá tăng trở lại về gần mức mua để bán và cắt lỗ, mà không còn đủ tâm lý để chấp nhận thực tại.

Nếu chấp nhận lỗ, thì sau khi thoát ra sẽ có cơ hội kiếm lời ở cổ phiếu khác, do cầm tiền mặt đứng ngoài thì dễ nhận định sáng suốt hơn. Còn nếu tiếp tục ”đầu tư dài hạn” thì khi giá tiếp tục xuống, nhà đầu tư sẽ lỗ nhiều hơn và nảy sinh tâm lý chán nản, phó mặc cho thị trường.

Nói tóm lại, nếu không tìm thấy các dấu hiệu tăng giá ở cổ phiếu đang bị kẹt thì nên mạnh dạn cắt lỗ và chuyển sang cổ phiếu khác, để phòng tránh trường hợp tình trạng thua lỗ ngày càng trầm trọng hơn.

Bình quân giá xuống là hết sức nguy hiểm

Chiến lược bình quân giá xuống thường chỉ được áp dụng đối với nhà đầu tư tổ chức có nguồn lực tài chính mạnh và số lượng cổ phiếu dự tính mua lớn nên cần thời gian giải ngân tương đối dài.

Vì khối lượng trong giai đoạn thị trường tạo đáy thường khá thấp nên nhà đầu tư dạng này phải chấp nhận mua trước một lượng đáng kể trong các phiên thrust down của thị trường, rồi sau đó mới bình quân giá xuống khi thị trường tạo đáy.

Tuy nhiên, cách làm này đối với nhà đầu tư cá nhân lại tiềm ẩn rủi ro lớn, vì đối tượng này có tiềm lực tài chính yếu hơn và thời gian giải ngân cũng thường ngắn hơn.

Thực tế chứng minh không chỉ trong năm 2011 mà cả những năm trước, chiến lược bình quân giá xuống ít khi phát huy tác dụng.

Một chiến lược đem lại hiệu quả khá tốt là ”Bottom-fishing để bình quân giá lên”. Nghĩa là canh bắt đáy một lượng vừa phải (30% - 40%) của danh mục khi cổ phiếu chạm các vùng hỗ trợ mạnh. Nếu sau đó cổ phiếu phục hồi trở lại thì tiếp tục bình quân giá lên. Còn nếu thủng đáy thì nên cắt lỗ nhanh chóng để phòng ngừa rủi ro. 

Chiến lược trên giúp cho chúng ta có thể hạn chế được thua lỗ trong những đợt bắt đáy thất bại, nhưng vẫn đảm bảo mức sinh lời cao nếu như thị trường tăng trưởng.



Phân biệt giữa tín hiệu cảnh báo (warning) và tín hiệu mua bán (buy/sell signal)

Nhiều nhà đầu tư hay nhầm lẫn giữa tín hiệu cảnh báo (warning) và tín hiệu mua bán (buy/sell signal). Có thể lấy hai ví dụ đơn giản sau để minh họa cho điều này.

Phân kỳ có thể coi là một dạng tín hiệu cảnh báo (warning) điển hình. Chỉ báo Ultimate Oscillator trong năm 2011 đã có 4 lần cho tín hiệu phân kỳ giá lên (bullish divergence) trên VS 100 trong năm 2011, nhưng chỉ có 1 lần vào tháng 08/2011 là thành công; còn những lần còn lại giá đều đi ngang rồi giảm mạnh. Điều này cho thấy không phải cứ có phân kỳ là giá sẽ đi theo hướng mà phân kỳ chỉ ra.


Mặt khác, đối với các chỉ báo dạng tín hiệu mua bán (buy/sell signal) thì sau một tín hiệu mua sẽ có một tín hiệu bán xen kẽ (quan sát đường SMA 50 vẽ chung với VS 100). Đối với phân kỳ thì không phải lúc nào cũng vậy.

Sau một phân kỳ giá lên thì không có phân kỳ giá xuống hay một tín hiệu nào để nhà đầu tư có thể biết rằng mình đã sai và cắt lỗ.

Vì vậy, nên dùng phân kỳ nói riêng và các dạng tín hiệu cảnh báo (warning) nói chung để chuẩn bị vào trạng thái mua bán chứ không phải để mua bán.

Thực tế trên VS 100 trong năm 2011 cho thấy, hệ thống giao dịch dựa vào SMA 50 chỉ cho tín hiệu mua (buy signal) đúng 1 lần vào tháng 08/2011 khi đường giá cắt lên trên SMA 50 và tín hiệu này là chính xác. Điều đó cho thấy các tín hiệu mua bán (buy/sell signal) có độ tin cậy cao hơn là các tín hiệu cảnh báo (warning).

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2011 đã đem đến cho chúng ta khá nhiều trải nghiệm thú vị. Hy vọng những kinh nghiệm ”thất bại” bổ ích này sẽ giúp nhà đầu tư tự tin hơn khi phải đối diện với năm 2012 được dự đoán tiếp tục biến động khá phức tạp và khó lường. 

vietstock

10 quy tắc vàng trong đầu tư của Shakespears


Polonius, quân sư của Đức vua trong tác phẩm Hamlet, một nhân vật phản diện, nhưng không hiểu sao Shakespears lại ưu ái cho những lời răn dạy của tên đại thần này trở nên đáng nhớ và đáng suy ngẫm.
LTS: Jeremy Grantham, Chủ tịch quỹ đầu tư GMO (Mỹ), là một nhà đầu tư nổi tiếng trong lĩnh vực cổ phiếu, trái phiếu và thị trường hàng hóa. Ông được biết đến với vai trò “nhà tiên tri” của Phố Wall, người đã dự đoán chính xác nhiều cuộc khủng hoảng của thị trường Mỹ nói riêng và thị trường thế giới nói chung. Bài viết dưới đây được trích từ một bức thư ngỏ ra hàng quý mới đây nhất của ông gửi cho các khách hàng (phát hành ngày 24/2/2012). Nguyên bản của bức thư chia làm 3 phần, trong đó phần đầu (tựa đề Investment Advice From Your Uncle Polonius (Lời khuyên từ ông chú Polonius) là những triết lý đầu tư vàng mà Grantham mượn lời nhân vật Polonius của Shakespear để gửi gắm đến độc giả.
(Phần chú thích đề dưới bức thư có đoạn như sau: Polonius, quân sư của Đức vua trong tác phẩm Hamlet, một nhân vật phản diện rõ ràng với đủ các tính xấu như hay tâng bốc, xu nịnh, ngạo mạn, hống hách. Tuy nhiên, không hiểu sao Shakespear lại ưu ái cho những lời răn dạy của tên đại thần này trở nên đáng nhớ và đáng suy ngẫm. Danh sách quy tắc dưới đây gói gọn trong lời khuyên nhủ của Polonius dành cho cậu con trai Laertes trước khi lên tàu rời Đan Mạch đi Pháp.)  

Do bức thư khá dài nên chúng tôi chỉ gom lại những ý chính và lược bớt những phần hơi lan man. Bạn có thể vào trang web của GMO để tìm đọc toàn bộ nội dung tiếng Anh.

Tin vào lịch sử phát triển

 
"Thị trường thường bất kham đến lạ kỳ, nó cứ lang thang ở đâu đó thật xa nhưng chán chê rồi cuối cùng vẫn lại quay về giá trị thực, sau một hồi làm tim ta tan nát và ý chí ta thui chột. Vì thế, việc ta phải làm là sống sót cho đến khi điều tất yếu xảy ra".

Đừng cho ai vay mượn, cũng đừng vay mượn ai


"Nếu bạn vay tiền để đầu tư, nguy cơ chết yểu của bạn sẽ cao hơn bởi người cho vay có thể đòi tiền của họ bất cứ lúc nào. Hơn nữa, đầu tư bằng cách đi vay sẽ làm tiêu hao một tài sản cực kỳ quan trọng của nhà đầu tư: sự kiên nhẫn”

Đừng cho hết vàng bạc lên một chuyến tàu
 

"Đầu tư nhiều chỗ khác nhau, càng nhiều càng tốt, sẽ giúp bạn chống chọi và vượt qua những cú sốc. Nếu bạn đặt cược tất cả vào một chỗ, bạn sẽ khó mà gượng dậy nổi nếu có tình huống xấu xảy ra. 

Hãy kiên nhẫn và tập trung đầu tư cho dài hạn

 
"Nếu bạn chờ, chờ và chờ cho đến khi thị trường (cổ phiếu) xuống thật thấp thì hệ số an toàn của bạn sẽ là lý tưởng và khoản đầu tư của bạn sẽ thành công trên cả tuyệt vời. Các cổ phiếu riêng lẻ còn có ngoại lệ nhưng chung cả thị trường thì không thể không có lúc phục hồi. Vì vậy, nếu bạn theo đúng các nguyên tắc trước (đầu tư nhiều loại cổ phiếu, không vay mượn và tin vào lịch sử) thì dù có rắc rối xảy ra bạn cũng sẽ vẫn sống sót."

Thấy được lợi thế của mình so với dân có nghề

 
"Với dân ‘máu mặt’ trong đầu tư, vấn đề lớn nhất của họ là làm sao giữ được nghề, tránh những rủi ro có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp và công việc kinh doanh. Một điều bất hạnh nữa là họ lúc nào cũng phải ‘sôi sùng sục’ để người khác thấy mình bận rộn, giỏi giang đúng kiểu dân chuyên. Còn với tư cách là một người bình thường, bạn không việc gì phải nôn nóng, sốt ruột như dân nhà nghề. Hãy cứ thoải mái mà chờ thời cơ của mình và phớt lờ những gì mà người khác làm. 

Cố gắng kìm nén sự lạc quan nhất thời

 Chiếc cốc này mới đầy một nửa 

"...lạc quan cũng có mặt trái của nó, nhất là với những nhà đầu tư: những người lạc quan thì thường không muốn nghe tin bất lợi…Thêm nữa, người thường dễ giữ được sự bình thản hơn dân trong nghề bởi họ không phải tiếp nhận đủ loại thông tin mỗi ngày (đó là chưa kể những lời ‘khó nghe’ của một vị  khách hàng nóng tính nào đó). Không dễ nhưng đỡ hơn”. 

Hãy dũng cảm khi cần

 
"Bạn có thể đặt cược nhiều hơn dân chuyên khi cơ hội có một không hai đến với bạn bởi khi có chuyện xảy ra bạn không có nhiều thứ để mất như họ - khách hàng, công việc làm ăn. Vì thế khi số liệu cho thấy thị trường đang nằm dưới giá trị của nó, hãy nghiến răng và xông lên chớp thời cơ” 

Chỉ tin vào con số chứ không chạy theo số đông 
 
"Ngồi án binh bất động mà nhìn dân tình phất lên khi bong bóng thị trường sắp vỡ quả là một sự tra tấn. Cách tốt nhất để kìm chế mình là tự ngồi tính toán và tìm nguồn phân tích tin cậy để tra cứu thường xuyên. Hãy bỏ qua những thông tin ngắn hạn: sự thay đổi liên tục của những thông tin kinh tế, chính trị chẳng liên can đến bạn đâu. 


Giá trị cổ tức trong tương lai mới quyết định giá trị cổ phiếu và phải mất vài chục năm lợi nhuận mới đổ về. Những cú tuột dốc ngắn hạn của nền kinh tế về lâu dài sẽ không ảnh hưởng nhiều đến từng doanh nghiệp riêng lẻ chứ chưa nói đến những tài sản tài chính mà bạn phải tập trung vào. Hãy nhường những bài toán phức tạp lại cho dân chuyên, cứ để cho họ tốn tiền của và công sức giải mã chúng. 

Rốt cục thì mọi thứ đều rất đơn giản. Thật đấy!

 

"GMO dự báo các khoản đầu tư tài chính sẽ cứ thế mà phục hồi một cách mạnh mẽ: điều đơn giản và chắc chắn là biên lợi nhuận, hệ số P/E sẽ quay trở lại mức trung bình dài hạn trong 7 năm nữa kể từ bây giờ. Chúng tôi đã nghiên cứu điều này từ năm 1994 và đưa ra 40 dự báo quý (mới đầu là dự báo 10 năm và bây giờ là 7 năm). Tất cả 40 dự báo đó đều đã chính xác đến bất ngờ."

Nhưng có điều này quan trọng hơn cả: Phải thành thực với mình 

 
"Để có thể đầu tư một cách hiệu quả về phương diện cá nhân, bạn nhất thiết phải nắm được mặt mạnh mặt yếu cũng như những hạn chế của mình. Nếu bạn kiên nhẫn và không bị đám đông chi phối, nhiều khả năng bạn sẽ thành công. Nhưng chưa thành công mà đã nghĩ mình sẽ thành công và chọn một hướng đi sai lầm do bị “đám đông hóa”, bạn chắc chắn sẽ rơi vào thảm họa. Bạn phải biết ngưỡng chịu đựng và sự kiên nhẫn của mình để không làm gì vượt quá khả năng. Nếu không cưỡng được cám dỗ, bạn tuyệt đối KHÔNG ĐƯỢC PHÉP quản lý tiền của mình mà phải giao người khác trông nom hộ”. 
Theo TTVN/Businessinsider

10 sai lầm thường gặp trong đầu tư


Hầu hết mọi người ai cũng đã, đang hay sẽ gặp phải một số sai lầm trong các quyết định đầu tư. Nếu biết rõ xu hướng hành động của mình, bạn sẽ dễ dàng hơn để nhận biết vấn đề và rút kinh nghiệm.
Những sai lầm này có thể mang lại lợi nhuận trong tương lai khi mà chúng ta biết vận dụng nó để đưa ra những quyết định đầu tư và kinh doanh đúng đắn hơn, dù cho chúng khiến ta mất nhiều tiền vào lần đầu tư đầu tiên. Cũng như lời khuyên của bố mẹ, phải qua trải nghiệm bản thân chúng ta mới thực sự rút ra được bài học. Tuy nhiên nếu biết rõ xu hướng hành động của mình, sẽ dễ dàng hơn cho mỗi người trong việc nhận biết vấn đề cũng như rút ra được bài học kinh nghiệm. Dưới đây là 10 sai lầm chúng ta hay mắc phải khi đầu tư.
1. Bị phần thưởng làm mờ mắt
Bị mờ mắt bởi khoản lợi nhuận có thể xảy ra của một khoản đầu tư có thể khiến bạn lạc lối, bởi lợi nhuận cũng đi kèm rủi ro. Khi nghe người ta nói về vụ đầu tư với cổ tức đáng kinh ngạc, hoàn trái khổng lồ hay lợi nhuận tuyệt vời ta có thể lao ngay vào đầu tư mà không xem xét các rủi ro kèm theo. Lời khuyên là bạn nên thường xuyên dừng lại một chút và cân nhắc xem tại sao lợi tức của khoản đầu tư lại cao như vậy, rồi mới quyết định có đáng hay không khi chấp nhận rủi ro như thế chỉ để đổi lấy một phần thưởng phù du.
2. Thiếu kiên nhẫn
Thiếu kiên nhẫn chính là điều đã giết chết nhiều nhà đầu tư khôn ngoan. Không đợi giai đoạn suy thoái qua đi hoặc giả định cổ phiếu đang trong giai đoạn đáng giá nhất và bán nó quá sớm, dù đó là khoản đầu tư ổn định, có thể khiến bạn thấy hối tiếc.
Ví dụ, một nhà đầu tư từng đầu tư vào cổ phiếu của Tập đoàn khách sạn Hilton. Nhà đầu tư này đã mua cổ phiếu với giá 10 USD. Khi cổ phiếu chạm mốc 14 USD và duy trì mức giá này trong vài tháng, ông đã mất niềm tin dù vẫn biết rằng cổ phiếu này là một sự đầu tư vững chắc. Lúc đó ông không cần tiền nhưng lại trở nên mất kiên nhẫn và bán tháo cổ phiếu, thu về lợi nhuận. Vài năm sau, cổ phiếu Hilton được mua lại với giá 40 USD một cổ phiếu. Sự thiếu kiên nhẫn thắng thế, nhà đầu tư mất một khoản lớn.
3. Nhỡ tàu
Bỏ lỡ một khoản đầu tư hấp dẫn có thể khiến bạn thất vọng và bực mình vì không lên kịp chuyến tàu. Thay vì coi nó như một bài học kinh nghiệm và tìm kiếm một khoản đầu tư mới, bạn có thể lại chọn cách đuổi theo và nhảy lên khi mà tất cả đều nhảy xuống khỏi “tàu”. Trong khi những người khác kiếm được lợi nhuận để bỏ túi thì bạn chỉ nắm được cái túi mà thôi.
4. Bong bóng vỡ
Bong bóng vỡ khiến nhiều nhà đầu tư mất những khoản tiền lớn. Không nhận thấy đúng lúc sự sụp đổ của một khoản hay một lĩnh vực đầu tư có thể khiến bạn rơi vào thế bấp bênh. Trong suốt thập kỷ qua, những lĩnh vực như bất động sản và công nghệ đã cho chúng ta thấy bong bóng vỡ nguy hiểm đến mức nào. Khi người ta nói một khoản đầu tư nào đó an toàn hay chắc chắn để bỏ tiền vào, ý kiến hay là bạn nên đặt câu hỏi về tính đúng đắn của những lời khuyên như thế. Hãy nhớ, một việc quá tốt để có thể thành hiện thực thì có thể nó không tốt đến thế thật!
5. Ảnh hưởng của số đông
Hào hứng với một khoản đầu tư thì không khó. Khi mọi người xung quanh nói với bạn về một khoản đầu tư tuyệt vời ra sao, họ đang kiếm được bao nhiêu từ nó, một cơ hội thật khó khăn để từ chối. Tuy nhiên, như với bong bóng vỡ, đám đông dẫn bạn tới hồ nước cũng có thể dẫn bạn đến bờ vực khi bạn đưa ra quyết định đầu tư của mình. Nghe theo số đông thay vì cảm nhận của chính mình có thể là một sai lầm trong đầu tư và bạn sẽ tự đá mình ra khỏi đường.
6. Đầu tư mang màu sắc cá nhân
Dường như các doanh nghiệp lớn không hiểu bạn, và các công ty dầu khí thì tăng giá mỗi khi bạn định bơm xăng, nhưng cẩn trọng, việc đầu tư mang màu sắc cá nhân có thể là một sai lầm lớn. Bạn đưa ra quyết định đầu tư dựa trên sở thích cá nhân hay vì sự tức giận về mất mát của mình chỉ khiến bạn thêm giận dữ, hậu quả từ những quyết định đầu tư không dựa vào các thông tin xác thực và các kinh nghiệm đầu tư đúng đắn.
7. Đầu tư miễn cưỡng
Một vài người thấy rằng họ không thể ngừng suy nghĩ về những khoản đầu tư vì nỗi lo sợ mất tiền. Dù những quyết định đầu tư của họ có thể là đúng đắn, họ vẫn không thể thôi trằn trọc, ám ảnh về một thực tế rằng khoản tiền đầu tư đang gánh chịu một rủi ro nào đó. Các khoản đầu tư đôi khi không giá trị đủ với những nỗi sợ hãi mà nó mang lại, và với một số người, một khoản đầu tư hiển-nhiên-rủi ro có thể coi là một sai lầm vì chúng là nguyên nhân của sự bất an họ gánh chịu.
8. Kỳ vọng quá cao
Kỳ vọng quá cao vào một khoản đầu tư có thể dẫn đến những quyết định không sáng suốt. Thường bị ảnh hưởng bởi các nhà phân tích Phố Wall hay các chuyên gia tư vấn tài chính, nhiều người không còn thỏa mãn với lợi nhuận thu được là 4 hay 5% (tại thị trường Mỹ), trên các khoản đầu tư của mình. Khi không ngừng được dẫn dắt để tin rằng lợi nhuận 8, 9 hay 10% là bình thường, người ta sẽ kỳ vọng quá cao và từ đó các quyết định đầu tư, đầu tư vào đâu và đầu tư bao nhiêu tiền, sẽ bị thiên lệch đi.
9. Vốn đầu tư thấp - lỗi đầu tiên mình gặp phải
Nhiều khi không phải là chúng ta không đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn, chúng ta làm đúng, chỉ là ta không đầu tư đủ tiền để khiến quyết định đó trở nên giá trị. Mua 10 cổ phiếu đáng giá khi nó mới ở mức 10 USD một cổ phiếu, dù có đầu tư thành công thì cũng không mang lại khác biệt gì lớn cho danh mục đầu tư của bạn.
10. Làm việc nào trước, đầu tư hay giảm nợ
Đôi khi ta mắc sai lầm trong đầu tư giống như việc “cầm đèn chạy trước ô tô” vậy. Việc đầu tư, dù cho có tạo ra lợi nhuận cao hơn thì cũng đồng nghĩa với việc gánh chịu nhiều rủi ro hơn bình thường. Dù một khoản đầu tư tạo lợi nhuận 10% mỗi năm,  nhưng lãi suất thẻ tín dụng của bạn với cùng số tiền đó lại là 20%, thì quyết định đầu tư của bạn có thể chưa phải một quyết định khôn ngoan.
Xuân Lương

[Nhật ký kinh doanh chứng khoán] Ngày đầu tiên cắt lỗ

Cổ phiếu NVT, tuy chỉ mua 200 cổ phiếu nhưng nó mang lại khoản lỗ tương đối so với tổng tài khoản của mình :(
Coi như thương vụ HAG trước của mình đã bị NVT làm cho hỏng ăn.
Lãi có nhưng khi lỗ thì cũng nặng. Đúng là chứng khoán :(
Hậu quả của việc nghe ngóng đầu tư, một sự mạo hiểm ngu ngốc khi nghe lời của một người không quen biết.
Đầu tư cổ phiếu penny, đầu tư theo phong trào mà chẳng cần biết thông tin về nó, thông tin về chỉ báo kỹ thuật, cơ bản...đến bây giờ phải cắt lỗ..
Tạm biệt 120k của tôi...Tôi không hy vọng gì một cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo nữa .... dù mày có đánh lên mấy ngày tới thì tao cũng thôi thôi, tao không muốn quan tâm tới cái cổ phiếu m nữa
Đầu tư với một số tiền nhỏ là một sai lầm. HAG mình thích như thế nhưng cũng ko có tiền để đầu tư, nó tăng đến 10.000/cổ phiếu (150%) mà lãi chẳng đáng bao nhiêu.
Rõ khổ :(

Cái mặt của tôi khi buộc phải cắt lỗ :(

Tích lũy kinh nghiệm đầu tư

Bắt đầu sau ngày 14/4/2012, mình sẽ tổng hợp lại các lỗi giao dịch, lỗi kinh doanh chứng khoán của mình để có thể rút kinh nghiệm dần dần, trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn.
Cuộc đời muốn tiến bộ là phải biết rút kinh nghiệm. Tuy nhiên để tiến bộ nhanh hơn, ngoài rút kinh nghiệm của mình, bạn nên biết rút kinh nghiệm từ người khác nữa.
Good luck!

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Tỷ phú Warren Buffett luôn làm mọi cách để trốn thuế?


Dù luôn tuyên bố về việc sẵn sàng nộp thêm nhiều thuế, thế nhưng chính ông đã và đang làm mọi cách để tránh không phải nộp hàng tỷ USD tiền thuế.
Cuộc sống thật không công bằng, người thông minh nhiều khi chẳng kiếm được nhiều tiền. Thế nhưng lại có nhiều người không thông minh chút nào vẫn kiếm được cả khối tiền lớn.
Tỷ phú Warren Buffett thường đóng rất đạt vai của một người giản dị, tỷ phú giàu có hàng đầu thế giới hiện vẫn đang sống trong căn nhà khá khiêm tốn của ông ở Omaha và sở hữu một chiếc xe cũ trong suốt nhiều năm.
Thế nhưng đừng quá tin vào những điều này. Chính Buffett thường đi lại bằng máy bay riêng và luôn được đưa rước bằng những chiếc limousine sang trọng bất cứ nơi nào ông đến, thường ở trong khách sạn 5 sao, đầu tư vào nhiều hợp đồng mà nhà đầu tư khác không được tiếp cận. Nếu không biết những điều này, hẳn bạn tin ông cũng có cuộc sống giống bạn.
Gần đây, ông đóng vai trò như cộng sự đắc lực cho Tổng thống Obama. Chúng ta thường nghe thấy ông liên tục nói ông muốn đóng thêm thuế và rằng người giàu có kiểu như ông cần phải làm như vậy. Ông nói: “Chúng ta chưa nộp đủ thuế.” Thế nhưng cần phải xem trên thực tế ông đã làm gì với chính sách thuế.
Có 2 trường hợp gần đây cho thấy Warren Buffett đã làm mọi cách có thể để tránh phải nộp khoản thuế mà chính ông đang nợ. Vụ việc thứ nhất liên quan đến cuộc chiến kéo dài 14 năm xung quang vấn đề cổ tức mà cuối cùng Cơ quan thuế vụ Mỹ (IRS) đã dàn xếp xong xuôi vào năm 2005. Vụ việc thứ 2 hiện vẫn chưa giải quyết xong sau suốt 10 năm rắc rối, ông nợ đến 1 tỷ USD tiền thuế.
Cả hai vụ việc này đều được lưu trữ thông tin cụ thể và bạn có thể tìm kiếm được thông tin cần thiết bằng cách dùng Google. Khi đã tìm được, hẳn bạn sẽ đặt câu hỏi tại sao cái mà ông tuyên bố trước công chúng lại khác với cái ông làm trong công việc kinh doanh và đời sống thực. Vậy có thể coi ông là người đạo đức giả không?
Warren Buffett không được nhắc đến ở đây để chỉ trích về việc cố gắng đóng càng ít thuế càng tốt. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng như vậy thôi.
Gần đây, chắc chắn nhiều người chưa thể quên việc ông đầu tư vào Bank of America. Warrenn hẳn sẽ khiến người khác tin rằng ông rót tiền vào để cứu Bank of America để ngăn chặn vấn đề tài chính xấu cho ngân hàng này. Bạn có choáng khi biết sự thật không?
Tỷ phú Buffett hiện đang ở tâm điểm của các cuộc tranh cãi về thuế, theo WSJ. Quyết định đầu tư vào Bank of America của ông, theo một bài bình luận trên WSJ, chẳng qua là hành vi trốn thuế thành công của giám đốc điều hành tập đoàn Berkshire.
Các tập đoàn tại Mỹ chịu thuế thu nhập doanh nghiệp liên bang lên đến 35%, mức cao thứ 2 trên thế giới. Thế nhưng tập đoàn Berkshire chẳng mất tý tiền thuế nào đối với khoản đầu tư của họ vào cổ phiếu ưu đãi của Bank of America.
Những phát hiện mới về hoạt động nộp thuế của tỷ phú Buffett đã giúp chúng ta hiểu thêm phần nào về “nhà tiên tri ở Omaha”.
Bài báo này không được viết ra để chỉ trích tỷ phú Warren Buffett về việc sử dụng mọi cách có thể để giảm được thuế. Bất kỳ doanh nhân hay cá nhân nào cũng vậy thôi. Nhưng dẫu sao nếu bạn không đọc được bài báo này, có bao giờ bạn đặt câu hỏi về sự độ lượng của “nhà tiên tri đến từ Omaha”?
Trên website Human Events, tác giả John Hayward viết: “Warren Buffett cũng chẳng khác gì nhiều kẻ nói dối và gian trá khác bên cạnh Tổng thống Obama. Sự đạo đức giả của ông có điều đáng giá hàng tỷ USD.”
Tư bản vẫn chỉ là tư bản mà thôi, dù nó có vỏ bọc nào đi nữa. Phạm Duy.
                                                                                                              Đình Hảo
Theo TTVN/BusinessInsider