Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Hiện tại hoàn toàn chưa phải là đáy


PV Đại Biểu Quốc Hội Phạm Thị Loan
Tác giả: Hoàng Văn Hải, ngày 20/10/2012
“Sống dở chết dở”, sinh ra từ chuyện “Nợ đồng lần”- chữ dùng của Nguyên Đại Biểu Quốc Hội, Chủ tịch Tập đoàn Việt Á Phạm Thị Loan trong cuộc trao đổi với báo Lao động xung quanh chủ đề những khó khăn của DN hiện nay.
Nguyên Đại Biểu Quốc Hội, Chủ tịch Tập đoàn Việt Á Phạm Thị Loan

Hàng một đống, nợ một núi

PV: Với tư cách là một DN, bà từng có văn bản gửi Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Đó là vấn đề gì vậy? Thưa bà?
Bà Phạm Thị Loan: Chúng tôi xin được đối thoại về một số vấn đề mà DN đang bị áp đặt trong hoàn cảnh đang phải chịu muôn vàn khó khăn. Và khó khăn đó cũng là khó khăn chung của cộng đồng DN. Tuy nhiên, việc giải quyết là chưa thấu đáo trong suốt hơn một năm nay.
PV: Tồn kho? Thị trường thu hẹp? Nguồn vốn bị hạn chế. Đâu là cái khó nhất trong 3 vấn đề mà người ta gọi là “Tam giác quỷ” này, thưa bà?
 Bà Phạm Thị Loan: Phải nói là chưa bao giờ DN gặp khó như hiện nay. Thị trường bị thu hẹp. Cạnh tranh nhau khốc liệt để giảm giá. Hàng một đống, nợ một núi và càng ngày càng chồng chất, ngày càng không thấy đâu là lối thoát. Công nợ thì không thu đòi được khi mà chính các dự án thuộc NSNN cũng không có nguồn.
Vay NH nói thì nói thế chứ có vay được đâu. Vì điều kiện NH đưa ra ngày càng chặt hơn. Phải thế chấp thay vì tín chấp. Phải trả hết nợ quá hạn và qua thời gian thử thách. Thêm vào đó là mức bảo lãnh, chi phí ngất ngưởng khiến cho việc vay tiền gần như bất khả thi.
Trong khi đó, giá cả thị trường thì tăng liên tục, đặc biệt giá xăng làm giá cước vận tải tăng rất cao. DN còn phải chịu áp lực nặng nề về việc nộp thuế trong bối cảnh đang lỗ nặng nề. Rồi áp lực lương công nhân khi lương tối thiểu tiếp tục được điều chỉnh. Rồi bảo hiểm xã hội theo đó cũng liên tục tăng. Tiền thuế đất trước chỉ 2.500 đồng- 3.000 đồng/m2 giờ đã tăng gấp 6,7 lần khi các địa phương bỏ mặc chỉ đạo của Chính phủ vẫn cứ tăng đều.
Rồi ngay cả thuế đất phi nông nghiệp giờ cũng bắt DN trả. Có nghĩa là 2 lần nộp thuế. Rồi BHXH phạt. Thuế phạt. Tiền gốc còn chẳng có để trả còn tiếp tục bị phạt. Nhà nước lại vừa bắt DN nhập khẩu phải có bảo lãnh ngân hàng về thuế VAT và thuế nhập khẩu mới được nhập khẩu.
Tất cả mọi khó khăn đang đổ ập lên đầu DN và ngày càng nặng nề hơn. Đôi khi chúng tôi không thể xác định được cái nào là khó nhất. Vì cái nào cũng khó.
Công nợ là một ví dụ. Hiện rất nhiều dự án sử dụng vốn NSNN 5-7 năm sau khi bàn giao không có tiền trả nợ DN, đẩy DN vào cảnh “mắc phải nợ đồng lần”. Không trả được nợ cho các DN khác. Bị NH xiết nợ. Bị công nhân biểu tình. Bị đối tác thuê xã hội đen đòi nợ. Điều kỳ cục là các “con nợ nhà nước” không bao giờ trả lãi ngân hàng cho DN, trong khi sẵn sàng phạt nếu DN chậm. Tôi nói câu chuyện mà cả trăm DN đều nói như một là nếu muốn đòi nợ nhà nước, thậm chí phải mất tiền. Trong khi đó, áp lực nợ DN phải gánh cả.
Thiếu vốn, DN sản xuất đang phải dừng hàng loạt mà đóng cửa nhà máy một thời gian thì máy móc của cải sẽ thành rác hết. Thương mại dịch vụ gặp khó có thể co hẹp, chứ sản xuất mà gặp khó thì chỉ có nước chịu chết. Đôi khi tôi chỉ nhìn thấy sự co kéo. Dân đang co kéo từ những đồng tiết kiệm. DN đang khất, giãn, đảo nợ để co kéo. Nhà nước co kéo bằng việc cắt giảm. Nhưng đến khi không thể co kéo được nữa thì liệu có vỡ chợ!
Khi hiện tại hoàn toàn chưa phải là đáy.

Thực tế bất nhẫn

PV:Từng là ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội, theo bà, chuyện DN không tiếp cận được vốn là vì sao? Và nợ xấu có ý nghĩa thế nào?
Bà Phạm Thị Loan: Thực ra, từ lâu DN đã không trông vào những tuyên bố. Chúng tôi chỉ nhìn vào thực tế. Cái gốc của vấn đề, theo tôi, là từ việc sử dụng nguồn lực xã hội bị mất cân đối nghiêm trọng. Suốt một thời gian dài, chúng ta đổ quá nhiều vào BĐS. Giờ BĐS đóng băng, sinh nợ xấu. Vốn ngân hàng đóng băng cùng với BĐS đã ảnh hưởng gián tiếp, nhưng rất nghiêm trọng đến các DN nói chung.
Trong khi đó, đầu tư nhà nước, nhất là qua các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước, không những thiếu hiệu quả, thậm chí còn thua lỗ đến mức không thu hồi được vốn, gây tổn thất kinh tế.
Nhưng nghiêm trọng nhất, theo tôi, là sự lũng loạn của ngân hàng và các tổ chức tài chính khác. Luật lệ thực hiện không nghiêm, dẫn đến sự lũng loạn trong hệ thống ngân hàng khiến nguồn lực tài chính bị kiệt quệ. Nguồn tiền khả dụng bị suy kiệt dẫn đến thiếu nguồn cho vay. Đây là nguyên nhân trực tiếp của việc thiếu nguồn cầu. Ngân hàng thiêu nguồn cho vay. DN không có tiền vay. Và đây là lỗi điều hành chứ hoàn toàn không do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới.
Vừa rồi có câu chuyện giảm nhập siêu được ca ngợi như một thành tích của điều hành. Nhưng tôi nói thật giờ “đắp chăn nằm ngủ” thì nhập siêu cũng giảm. Bây giờ DN nhập về làm gì khi hàng tốn kho chất đống, sản xuất không sản xuất được. Kinh doanh không kinh doanh được. Vấn đề ở đây là cách nhìn. Khó khăn của DN khiến nhập khẩu giảm lại được nhìn nhận như một thành tích điều hành thì liệu với cách nhìn đó, DN còn bao nhiêu cơ may được cứu.
Và có một thực tế là trong khi DN đang chết dần chết mòn, trong khi nguồn vốn bị tắc nghẽn bởi nợ xấu thì các ngân hàng đang, như báo chí gọi, “Lãi khủng”. Phải chăng đang xảy ra những thực tế bất nhẫn: Ngân hàng vay người dân với giá rẻ, cho vay cắt cổ để có được lãi khủng. Lãi đó là từ đâu nếu không phải là từ mồ hôi của người dân và máu của DN!?
Vâng thưa bà, vậy DN cần gì, bên cạnh các gói hỗ trợ của Chính phủ?
Bà Phạm Thị Loan: Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là việc tạo được nguồn lực thực sự, bằng những đồng tiền thực sự. Tạo công ăn việc làm, nguồn vốn vay. Hỗ trợ, ưu tiên, thậm chí đầu tư cho DN khu vực sản xuất. Chẳng hạn với các dự án chế biến nông nghiệp, vì sao Nhà nước không thực hiện cho vay ưu đãi đặc biệt khi đây chính là khu vực tạo của cải, sản phẩm cho xuất khẩu và đảm bảo việc làm cho hàng triệu lao động!?
Vấn đề đầu tư chiều sâu, nên cho DN vay vốn để mở rộng sản xuất, vay ưu đãi đối với các dự án mà các DN tự xử lý vấn đề môi trường, tôi xin nhấn mạnh là với phương thức minh bạch như Ngân hàng thế giới. Vấn đề là phải không chế không để hạn chế việc đầu tư ồ ạt vào những dự án cảng nước sâu, sân bay, thép, xi măng, BĐS.. và sau đó chết vốn để ảnh hưởng đến tất cả cách ngành kinh tế.
Vốn và việc làm mới có thể là thứ cứu được DN trong lúc này. Tất nhiên, vốn phải là tiền mà DN có thể tiếp cận được trên thực tế chứ không phải chỉ được nghe trong các phát biểu.
Xin trân trọng cảm ơn bà

2 tiếng


Chúng ta cùng thi đỗ đại học.Chúng ta cùng học một lớp.Chúng ta cùng làm một nghề. Buổi sáng chúng ta cùng ăn phở(nếu có tiền!). Buổi trưa chúng ta cùng ngồi một quán cà phê gà gật.Vậy, tại sao có những người sau này ra đời rất hạnh phúc thành đạt, có người giàu sớm, có người cả đời chỉăn đong và than vãn đã bị đặt nhầm chỗ?
Phép chia của tám giờ vàng ngọc
“Tôi đã đi làm mười bảy năm, chuyển qua năm sáu công sở và nhảy việc gấp đôi chừng đó nghề.Rốt cuộc ba năm nay, tôi là một bà nội trợ ở Hà Nội, là một freelance thực sự còn nghiệp dư hơn cả nghiệp dư.Và mỗi ngày cố gắng lắm cũng chỉ làm việc được không quá hai tiếng đồng hồ.
Thế mà có người nói với tôi, hai tiếng đồng hồ mỗi ngày ấy, em không chỉ kiếm ra tiền nuôi được cả gia đình đùm đề, còn xây dựng được thương hiệu cá nhân, thực hiện cả chục cuốn sách một năm, và tạo những điều thú vị nhỏ cho bản thân cũng như những người không quen. Điều ấy một người làm việc tám tiếng một ngày trong giờ hành chính hầu như không phải ai cũng làm được.Thậm chí, họ làm việc tám tiếng chỉ đủkiếm tiền sống.Còn cả đời họ lẫn vào đám đông.Cũng không mang cái gì có ý nghĩa cho ai cả”.
Tôi suy nghĩ mãi về cuộc trò chuyện đó. Hẳn nhiên, người đối diện có vẻ tán thưởng quá đà! Tôi tin bản thân tôi không hề giỏi hơn ai, có vô số người khác xuất sắc trong đời sống.Nhưng phép tính hiệu suất cho mỗi giờ làm việc trong lời khen đó có một điều cốt lõi, chính là nỗibăn khoăn suốt từ khi tôi bắt đầu nhận tháng lương đầu tiên ở báo Hoa Học Trò, ngày vừa tròn 20 tuổi: Điều gì làm nên thành công của một con người?
Chúng ta cùng thi đỗ đại học.Chúng ta cùng học một lớp.Chúng ta cùng làm một nghề. Buổi sáng chúng ta cùng ăn phở (nếu có tiền!).Buổi trưa chúng ta cùng ngồi một quán cà phê gà gật. Vậy, tại sao có những người rất hạnh phúc thành đạt, có người giàu sớm, có người cả đời chỉ ăn đong và than vãn đã bị đặt nhầm chỗ?
Tại sao có người yêu nghề và người chỉ nhăm nhe nhảy việc?
Mỗi khi có ai rủ đi đâu, làm việc gì, nhờ vả nọ kia, rủ đi học ngoại ngữ, hỏi vì sao đã lâu không thấy mặt? Câu trả lời đầu môi của chúng ta luôn là: Tớ bận lắm, dạo này tớ rất bận!
Nhưng, bận rộn không phải lý do cho mọi vấn đề. Bạn có biết, Newton, Anhxtanh hay thậm chí những họa sĩ vừa mở triển lãm, những bà mẹ hạnh phúc bên con, những người thành công hay thất bại trên đường đời, họ cũng chỉ có 24 giờ trong một ngày để sống?
Bạn làm gì vào lúc… ngoài giờ làm?
Ngoài tám giờ vàng ngọc, ai cũng được nghỉ. Bạn có biết, cuộc đời bạn thành đạt hay thất bại lại được quyết định bởi chính khoảng thời gian nghỉ ngơi, từ 8-10 giờ tối mỗi ngày không?
Hiển nhiên, làm việc và học tập vào sáng và chiều đã mang lại cho bạn bằng cấp, công việc, thu nhập, một cái tên chức danh rất kêu trên danh thiếp, thậm chí một CV cực đẹp. Còn sau giờ làm, chúng ta thường sẽ dành thời gian để… ăn!
Ăn với bố mẹ. Ăn tối với bạn bè và lê la quán xá thêm tiếng đồng hồ nữa. Ăn với người yêu, về nhà với con, đi làm rồi thì đi ăn với sếp. Có người bạn tôi thổ lộ, ban ngày anh ta có thể vắng mặt ở cơ quan, sếp họp mà không gọi anh ta cũng không cảm thấy làm sao cả. Thế nhưng nếu đi ăn buổi tối, tiếp khách tối mà sếp không gọi, anh ta cảm thấy mình mất giá trị vô cùng!
Nếu trót lên làm sếp nhỏ, những bữa giao tiếp, những cuộc gặp gỡ buổi tối càng nhiều hơn, quán bia cũng mở cửa ngày càng khuya. Có những khi tôi nghĩ, các anh đàn ông đi uống bia và tiếp khách thực chất là kéo dài ngày làm việc ra thêm một ca nữa, chứ đâu phải vui thú hay có lợi gì cho chính bản thân họ?
Thường sau ăn, chúng ta sẽ làm những việc vụn vặt! Khoảng 8-10 giờ tối sẽ được bạn lần lượt dành cho việc: Học tiếng Anh trong một vài năm, học thêm bằng cấp phụ trong vài năm, tán gái trong một vài năm, giao tiếp thù tạc trong 2-3 năm, chẳng hạn. Rồi sau đó, có thể sẽ có thú vui, hay một kênh thể thao ngốn hết những tối của chúng ta.
Tôi từng thấy, có người bị mắc chứng nghiện ti-vi.Cứ đi làm về là bật ti-vi rồi để đó, phải có tiếng ti-vi thì mới yên tâm.Mặc dù mắt không hề ngó đến ti-vi, và đến trước khi đi ngủ, hỏi hôm nay ti-vi phát cái gì, họ đã hoàn toàn quên mất.Não của họ hoàn toàn ngủ yên trong khoảng thời gian này.
Vào lúc bạn dành khoảng thời gian cá nhân 8-10 giờ tối cho những việc vụn vặt, đọc sách, yêu đương, làm những thú vui nửa vời, cuộc đời bạn sẽ là tập hợp của một chuỗi những thứ vụn vặt ấy. Bao giờ thì bạn phát hiện thấy say mê và sở trường, niềm đam mê mãnh liệt của bạn từ trong những chuỗi hoạt động vụn vặt ấy?
Hay bạn nghĩ, chỉ cần biết mỗi thứ một tí là đã đủ cho đời mình?
Tám giờ tối, bạn làm gì, sẽ quyết định bạn là ai trong đời này?
Tôi tin điều ấy!
Ít nhất, tôi tin rằng những người luôn trong tình trạng thất bại về quản lý thời gian chính là những kẻ thất bại sâu sắc nhất trong cuộc đời này.
Nếu bạn hy sinh những điều vụn vặt, và dành thời gian hai tiếng mỗi tối cho một niềm say mê, bất kỳ điều gì khiến bạn hứng thú, và trung thành với nó, chỉ sau năm mười năm, bạn sẽ biết bạn là ai trong đời sống. Đơn giản chỉ bởi, trong hai tiếng ấy bạn phát huy được năng lực lớn nhất trong lĩnh vực và công việc bạn say mê nhất.
Hãy đọc sách, sách văn học hay sách kỹ năng, thậm chí là sách lịch sử, những giờ buổi tối ấy mang lại cho bạn những của cải vô giá trong tâm hồn, trở thành bản lĩnh văn hóa của một con người trong xã hội.
Nếu bạn dịch sách, đủ để bạn trở thành một dịch giả giàu kinh nghiệmvà tâm huyết. Bạn có biết vì sao Việt Nam có rất nhiều người giỏi ngoại ngữ, hàng năm có hơn mười nghìn thạc sĩ, tiến sĩ giỏi ngoại ngữ từ nước ngoài về, nhưng dịch giả giỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay không? Dịch giả giỏi có thương hiệu và cá tính càng hiếm hơn!
Nếu mê mô hình, mê du lịch, mê chụp ảnh, những giờ tự đào luyện buổi tối, dành riêng cho đam mê ấy sẽ khiến bạn không bao giờ nói “Tôi rất bận!” với những đam mê của mình.Nếu bạn mê tiền, điều này thật tuyệt vời, bạn biết dùng hai tiếng đó để tìm kiếm gì rồi, đúng không?
Tôi sợ hãi mỗi khi thấy ai đó nói rằng, họ dành hai tư tiếng để chuyên tâm vào điều gì đó. Cho dù đó là hai tư tiếng để yêu, để sống, để hùng hục làm việc. Bởi nếu không dừng lại để suy nghĩ, dành thời gian để đào sâu vào sở thích cá nhân, tôi e rằng, bạn chỉ có một danh thiếp đẹp mà thôi, bạn không là ai có bản sắc và có tư chất riêng trong đám đông áo nhạt nhòa đi quanh ta mỗi ngày.
Vì rõ ràng trên đời này có hai loại người quá khác xa nhau: Những người vì tiền mà làm việc, có tiền rồi mới đi làm thứ họ thích! Và những người vì làm những việc họ say mê mà ra tiền, và sự nghiệp!
Trang Hạ (Theo Cóc đọc số 46, 9/2012)

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Một bài viết hay về tài sản đảm bảo


1.001 lý do khiến tài sản bảo đảm mà không đảm bảo
25-04-2012 16:57:35
(ĐTCK) Thực tế hoạt động ngân hàng cho thấy, có 1.001 lý do làm cho nhà đất, vốn là tài sản bảo đảm trở thành không đảm bảo, khiến ngân hàng khóc dở mếu dở.
    Luật sư Trần Minh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đào tạo nghiệp vụ ngân hàng, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO
    Tài sản bảo đảm được coi là phao cứu sinh của hoạt động ngân hàng, đảm bảo ngân hàng có thể thu hồi ít nhất là vốn gốc khi rủi ro khách hàng không trả được nợ xảy ra. Có khoảng 80% tài sản bảo đảm của ngân hàng là nhà đất. Tuy nhiên, thực tế hoạt động ngân hàng cho thấy, có 1.001 lý do làm cho nhà đất, vốn là tài sản bảo đảm trở thành không đảm bảo, khiến ngân hàng khóc dở mếu dở.

    Rủi ro chủ quan: bỏ sót quy trình
    Thực tế, quy trình cho vay của các ngân hàng được xây dựng khá chặt chẽ và hạn chế hầu hết rủi ro. Vấn đề là rủi ro xảy ra thường do quy trình bị bỏ sót hoặc do nhân viên non kém nghiệp vụ không thẩm định, tìm hiểu kỹ lưỡng.
    Từng có ngân hàng cho vay và nhận thế chấp nhà đất ở Nam Định, để cho “tiện”, nhân viên ngân hàng đã đồng ý ký hợp đồng thế chấp tại trụ sở ngân hàng và để khách hàng tự mang đi làm hộ thủ tục công chứng hợp đồng và đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở Nam Định.
    Khi khách hàng trả hồ sơ thì thấy đều hợp lệ nên ngân hàng tiến hành giải ngân. Đến khi khách hàng không trả được nợ, ngân hàng đi kiểm tra mới phát hiện ra tại địa chỉ đó không có nhà và cũng không có giấy tờ nhà đất.
    Hóa ra, khách hàng đã làm giả giấy tờ, hồ sơ để vay được tiền. Những trường hợp giấy tờ giả khá phổ biến trong hệ thống ngân hàng, có trường hợp làm giả toàn phần, có trường hợp sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm từ phôi thật (chỉ giả một nửa) nên rất khó nhận biết.
    Trong nhiều trường hợp, ngân hàng mất tiền vì không thực hiện đầy đủ thủ tục liên quan đến tài sản thế chấp. Chẳng hạn, Ngân hàng V cho khách hàng vay 10 tỷ đồng, tài sản thế chấp là bất động sản, nhưng từ năm 2001 đến nay, sau nhiều năm kiện tụng, vụ kiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và đương nhiên ngân hàng chưa thể thu hồi nợ.
    Một phần nguyên nhân là do ngân hàng chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan đến tài sản thế chấp, hợp đồng thế chấp  không được công chứng theo đúng quy định. Bên thế chấp căn cứ vào điểm này để cho rằng, hợp đồng thế chấp vô hiệu nhằm không phải thực hiện trách nhiệm trả nợ với ngân hàng.
    Thực tế cho thấy, có nhiều ngân hàng bỏ qua việc lập hợp đồng thế chấp, công chứng, chứng thực hợp đồng khi cho vay ngắn hạn 1 - 2 tuần, nhưng lại cầm luôn “sổ đỏ” của khách hàng để gây áp lực trả nợ.
    Tuy nhiên, khi khách hàng không trả được nợ, ngân hàng đã phải giao trả sổ đỏ, bởi pháp luật coi như chưa có hợp đồng thế chấp. Ngoài ra, không ít trường hợp ngân hàng không thể xử lý tài sản bảo đảm, bởi đây là tài sản chung của hai vợ chồng, nhưng chỉ đứng tên một người và chỉ có một người ký hoặc tài sản thuộc đồng thừa kế của nhiều người, nhưng chỉ một số đồng thừa kế ký hợp đồng thế chấp.
    Như vậy, nhà đất tưởng là tài sản cố định, không thể di dời, không mất đi đâu được thì rất là bảo đảm và có giá trị, nhưng đã dễ dàng trở thành không đảm bảo. Chưa kể, có ngân hàng làm thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp, nhưng lại không đăng ký giao dịch bảo đảm kịp thời hạn, dẫn đến khách hàng đi đăng ký thế chấp cho một giao dịch trước đó và ngân hàng trở nên mất quyền ưu tiên khi xử lý tài sản thế chấp, tức là gần như cũng mất luôn tài sản bảo đảm.
     Bất động sản là tài sản đảm bảo phổ biến ở Việt Nam
    Những lý do khách quan và cạm bẫy pháp lý
    Cách đây vài năm, một ngân hàng TMCP lâm vào tình huống dở khóc dở cười khi tài sản bảo đảm là nhà đất của một khoản vay trôi tuột theo một vụ sạt lở đất. Ngân hàng chỉ còn cách chấp nhận mất khoản vay đó, bởi “con nợ” không có khả năng trả nợ, mà tài sản bảo đảm nay đã biến mất.
    Tương tự, các vụ sạt lở đất tại Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP. HCM) đã chôn vùi vào lòng sông hàng chục căn hộ và cũng cuốn theo khối tài sản không nhỏ của ngân hàng được dùng để thế chấp. Thế nên, nhiều ngân hàng đã yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm cho tài sản bảo đảm.
    Đây là một phần rủi ro liên quan đến tài sản bảo đảm của ngân hàng, mà nguyên nhân chủ yếu là yếu tố khách quan, đến từ bên ngoài và ngân hàng rất khó kiểm soát. Đáng nói là trong số rất nhiều rủi ro thực tế đã xảy ra, những rủi ro đến từ chính sách, pháp luật cũng không ít. Chẳng hạn như hiện tại, nhà và đất được quản lý riêng, nhà do Bộ Xây dựng quản lý theo Luật Nhà ở, đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý theo Luật Đất đai. Từ năm 2003, Luật Đất đai có hiệu lực, song Luật Nhà ở đến ngày 1/7/2006 mới có hiệu lực.
    Điều này dẫn đến trường hợp có ngân hàng cho vay, tài sản thế chấp là 450 m2 đất ở khu vực khá đắt đỏ của Hà Nội của một bên thứ ba. Sau một thời gian, bên thế chấp xây một biệt thự trên đất đó.
    Khi khách hàng không có khả năng trả nợ, ngân hàng muốn xử lý tài sản thế chấp nhưng không được, bởi hợp đồng thế chấp chỉ có tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở vẫn thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba và bên này không thế chấp nhà hay tài sản gắn liền với đất.
    Không có cách nào để “bê” biệt thự đi nơi khác, ngân hàng đành làm “ngơ’ đối với khoản vay nói trên. Đáng nói là, đến nay vẫn còn ngân hàng chưa nhận thức được rủi ro này để đưa những điều khoản về nhận cả tài sản hình thành trên đất trong tương lai vào hợp đồng.
    Ngược lại, cũng có khách hàng chỉ thế chấp nhà mà không thế chấp đất và hậu quả là ngân hàng lâm tình huống tiến thoái lưỡng nan, khi mà tài sản bảo đảm tuy có và ngân hàng có toàn quyền xử lý, nhưng chỉ có điều ngân hàng không cách nào xử lý được. Bởi lẽ, tài sản bảo đảm là khung nhà xưởng của một doanh nghiệp và ngân hàng không cách nào bán được, do không có ai mua. Thậm chí, ngân hàng còn bị khu công nghiệp giục đến lấy nhà xưởng về để trả đất thuê cho khu công nghiệp. Chẳng biết mang nhà xưởng về để đâu, ngân hàng đành coi như mất.
    Luật pháp có quy định về những loại tài sản không được đem thế chấp, chẳng hạn như đất thuê của Nhà nước trả tiền hàng năm. Luật Đất đai năm 2003 không cho phép thế chấp đất thuê của Nhà nước, bởi tài sản là của Nhà nước, nếu khách hàng không trả được nợ, ngân hàng không thể xử lý tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp được thế chấp nếu là đất thuê trước ngày 1/7/2004 và đã trả tiền thuê đất nhiều năm, thời hạn còn lại không ít hơn 5 năm.
    Đây thực chất là cạm bẫy pháp lý cho ngân hàng, vì nếu ngân hàng cứ áp dụng điều luật máy móc và nhận tài sản thế chấp là đất thuê, thì khi khách hàng không trả được nợ, ngân hàng chỉ có thể xử lý tiền sử dụng đất trả trước cho Nhà nước và giá trị bồi hoàn, nếu có.
    Cả hai đối tượng này đều thuộc diện khó đòi, bởi tiền bồi hoàn còn bù đắp cho những yêu cầu tối thiểu khác, tiền thuê đất thì loay hoay đòi nợ và xử lý cũng vừa hết vài năm, tức số tiền thuê cũng không còn.
    Để bảo vệ túi tiền, ngân hàng cần chú trọng vấn đề tài sản, đòi hỏi nhân viên ngân hàng phải nắm chắc các quy định pháp lý của Việt Nam liên quan đến các loại tài sản, sở hữu, thừa kế, hôn nhân gia đình…
Luật sư Trần Minh Hải

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Phía sau chuyện ngân hàng kích cầu bất động sản

Gần đây, dư luận tỏ ra khá bất ngờ khi các ngân hàng chạy đua kích cầu bất động sản thông qua việc ồ ạt cho vay mua nhà tại các dự án.

Câu chuyện cũng có thể giản đơn nếu suy diễn theo hướng, rằng bất động sản đang lâm cảnh khó khăn, việc các chủ đầu tư bắt tay với các ngân hàng để kích cầu, thu hút khách hàng, qua đó tăng tính thanh khoản cho thị trường cũng là chuyện dễ hiểu. Và tất nhiên, người chịu thiệt trong chiến lược này rất có thể là doanh nghiệp, chủ đầu tư khi phải gánh hộ khách hàng những khoản ưu đãi lãi suất từ phía các ngân hàng.

Tuy nhiên, nếu lật giở từng giai đoạn hay từng “cái bắt tay” của các ngân hàng với các chủ đầu tư trước đó - thời điểm mà bất động sản đang ở thời kỳ “đỉnh cao phong độ” và các ngân hàng “hùng hồn” tuyên bố rót hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án, mới thấy được câu chuyện kích cầu bất động sản hiện nay không đơn giản như ai đó vẫn nghĩ.

Vì nhiều áp lực?


Kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố cởi trói giới hạn tín dụng gần như toàn bộ cho lĩnh vực bất động sản hồi đầu tháng 4/2012, nhiều ngân hàng thương mại lớn dường như đã tiếp thu “ngay và luôn” chủ trương này bằng việc đổ xô cho vay mua nhà tại các dự án bất động sản.

Điều này được dư luận, đặc biệt là giới đầu tư kinh doanh bất động sản đánh giá rất cao, bởi nó được ví như một nguồn oxy quý giá giúp thị trường vượt qua cơn khát vốn đối với cả chủ lẫn khách hàng trên thị trường bất động sản trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, xét về nghiệp vụ và những quy chuẩn trong hoạt động tín dụng thì việc các ngân hàng ồ ạt cho vay mua nhà có thể sẽ vi phạm quy định trong hoạt động tín dụng. Bởi lẽ, với các gói cho vay mua nhà mà theo các ngân hàng quảng bá là 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm chính là các khoản vay dài hạn, trong khi vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn và các ngân hàng chỉ được dùng tối đa 30% vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn.

Bình luận về động thái này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, ông rất bất bình, bức xúc trước việc các ngân hàng Việt Nam lấy vốn huy động ngắn hạn mang đi cho vay dài hạn mua nhà, đầu tư dự án, trong bối cảnh Việt Nam chưa có một cơ quan bảo lãnh tín dụng như ở Mỹ hay nhiều nước khác.

“Đành rằng việc nới lỏng tín dụng đối với bất động sản tại một số dự án là theo chủ trương của Chính phủ, nhưng bản thân dòng vốn của các ngân hàng là vốn ngắn hạn, nên nếu càng lao vào bất động sản thì có thể họ càng gặp khó”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Đặc biệt, nếu để ý thì sẽ thấy hiện chỉ có các ngân hàng quốc doanh mới mạnh tay với các gói cho vay mua nhà hỗ trợ lãi suất. Theo các chuyên gia, động thái này có thể phục vụ cho khá nhiều mục đích, trong đó nổi lên là áp lực cải thiện tăng trưởng tín dụng.

Bởi lẽ, ngay như một ngân hàng lớn là Vietinbank, thì 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng đã giảm 3,1%, trong khi ai cũng biết 80 - 90% lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc vào tín dụng...

Cũng có ý kiến cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc cầu vay vốn tại doanh nghiệp hiện quá thấp do hàng tồn kho nhiều cũng như các điều kiện cho vay xấu đi khi nền kinh tế khó khăn, trong khi cầu tín dụng tiêu dùng (mua nhà) lại có xu hướng tăng khi giá bất động sản đã giảm sâu trong một thời gian dài. Thậm chí cũng có ý kiến cho rằng, đó là cách lách luật khá khéo của các ngân hàng bởi đơn giản là lãi biên tín dụng tiêu dùng (mua nhà) luôn cao hơn nhiều so với cho doanh nghiệp vay để sản xuất.

Nhưng, sâu xa hơn cả và là động lực chính để các ngân hàng mạnh tay cho vay mua nhà chính là họ muốn chung tay cùng với chủ đầu tư giải phóng hàng chục, hàng trăm nghìn căn hộ đang tồn kho. Đó có thể là mũi tên trúng hai đích, trong đó không loại trừ khả năng tự cứu mình, vì nợ xấu và kẹt vốn đầu tư trong các dự án của ngân hàng.

TS. Nguyễn Thị Mùi (Ngân hàng Vietinbank) mới đây khi trao đổi với VnEconomy cũng đã thừa nhận, trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn như hiện nay, nếu các ngân hàng không xem xét, sàng lọc các dự án để cho chủ đầu tư tiếp tục vay thêm thì rất có thể ngân hàng cũng “chết chìm” theo các doanh nghiệp, các dự án.

Hay tự cứu mình?

Những nhìn nhận của các chuyên gia nói trên không phải là không có cơ sở, bởi nếu lật giở lại trong quá khứ, không quá khó để hiểu rằng, ông chủ thực sự của không ít dự án bất động sản chính là các ngân hàng thương mại lớn nhỏ.

Chẳng hạn, mới đây việc Vietcombank công bố bản thỏa thuận hợp tác cho vay mua nhà tại các dự án của Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (Hodeco) không đơn thuần chỉ là cái bắt tay kích cầu bất động sản. Hơn 3 năm trước, cùng với Vietinbank, ngân hàng này đã ký hợp đồng rót vào dự án Gò Sao của Hodeco 500 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư của dự án. Thế nhưng, không may cho ngân hàng là thị trường bất động sản tuột dốc không phanh.

Một trường hợp tương tự của Vietinbank là dự án nhà ở cao tầng 102 Trường Chinh (Hà Nội). Dự án này cũng nằm trong số 31 dự án mà Vietinbank vừa công bố cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi. Được biết, hơn một năm trước, một chi nhánh của ngân hàng này đã cho Công ty Cổ phần cơ điện và Xây dựng Việt Nam (Meco) vay một khoản tiền không nhỏ (310 tỷ đồng, chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư) để triển khai dự án. Tương lai của khoản lợi nhuận và vốn gốc của khoản vay trên có thu về được hay không chỉ có Vietinbank và Meco hiểu rõ hơn ai hết.

Và trong số 31 dự án bất động sản mà Vietinbank công bố hợp tác hôm 21/7, ngoại trừ các dự án được hưởng lãi suất ưu đãi 12%/năm nằm trong chương trình “5.000 tỷ đồng chung tay xây nhà mơ ước”, thì còn có không ít dự án được ngân hàng này thừa nhận là “đã liên kết với Vietinbank”.

Bình luận trước động thái cởi mở cho vay mua nhà của các ngân hàng, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng chủ trương mở hầu bao với một số đối tượng bất động sản là đúng, song cần phải đúng đối tượng, tức là phải hướng đến những người có nhu cầu mua nhà thực sự, những người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, theo ông, nếu việc cho vay mua nhà đó mà có liên quan đến việc các ngân hàng từng cho vay, góp vốn để đầu tư dự án trước đây thì khá nguy hiểm. Các cơ quan quản lý cần phải phát hiện để ngăn chặn.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, giả dụ trong trường hợp nếu các ngân hàng đang kẹt vốn tại các dự án, thì việc tiếp tục bắt tay với chủ đầu tư lại càng khiến ngân hàng thêm kẹt. Muốn giải quyết thì tốt nhất phải tiến hành cho vay ngắn hạn để đồng vốn quay vòng được nhanh hơn.

 “Thực tế trên thế giới cũng đã có nhiều ngân hàng phải dùng tiền mới để cứu tiền cũ, song đó là việc làm nguy hiểm. Do đó, việc các ngân hàng tiếp tục cho khách hàng vay mua nhà chỉ để mong thu hồi được đồng vốn trước đó là việc làm khá rủi ro”, ông Hiếu nói.

Tất nhiên, theo vị này, cũng có thể một số ngân hàng lớn hiện nay bị áp lực về kinh doanh, tăng trưởng tín dụng, trong bối cảnh dư thừa nguồn vốn nên buộc họ phải tìm mọi cách để tháo gỡ điều đó. 

Chuyên gia này khuyến cáo thêm, nguyên tắc cho vay bất động sản đối với doanh nghiệp cũng như cá nhân thì đều phải có nguồn hoàn trả. Nếu không may nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa,… thì việc hoàn trả là rất khó, từ đó khiến cho rủi ro đối với các ngân hàng tăng lên rất cao.

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

“Ai chịu đựng nổi!?”


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Thay vì để DN phải tăng giá tránh lỗ do giá thế giới cao, Chính phủ nên giảm thuế nhập khẩu và trích quỹ bình ổn giá.
“Tôi thật sự lo ngại với cách điều hành giá như hiện nay của Bộ Tài chính và Công Thương. Chính phủ vừa đưa ra gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp (DN) nhằm tháo gỡ khó khăn. Cụ thể hơn, ngày 30-7, Chính phủ đã ban hành nghị quyết với nhiều chính sách như giảm thuế 30% cho DN, miễn thuế thu nhập cá nhân sáu tháng cuối năm 2012… 
Thế mà trong vòng một tháng, giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, gas, nước sạch, viện phí đều tăng cao. Điều này tác động rất lớn đến DN và người dân, DN đã khó lại thêm khổ. Trong một lúc Chính phủ thực hiện hai việc trái chiều nhau khiến dư luận khó hiểu, băn khoăn về cách điều hành chính sách”. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM chiều 3-8.
Kỳ vọng và thất vọng
. Những ngày qua, dư luận rất bất bình vì trong một tháng mà rất nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, gas đều tăng giá? Bà có suy nghĩ gì về điều này?
+ Bà Phạm Chi Lan: Nhiều DN đã kỳ vọng các bộ, ngành tìm cách hỗ trợ, tháo nút thắt vốn, lãi suất bao nhiêu thì nay việc tăng giá các mặt hàng đầu vào làm cho DN và người dân thất vọng bấy nhiêu! Các mặt hàng tăng giá vừa qua đều được Nhà nước vận hành và kiểm soát trực tiếp, tuy nhiên mới chỉ dừng lại điều hành giá chứ chưa vận hành theo cơ chế thị trường bởi chúng ta chưa có cơ chế thị trường, tức là chưa cạnh tranh minh bạch, sòng phẳng. Vấn đề này báo chí và chuyên gia kinh tế nói nhiều lần nhưng xem ra cơ quan điều hành chưa tiếp thu.
. Cả nền kinh tế đang dồn sức cứu DN bằng việc hạ lãi suất cho vay, giải phóng hàng tồn kho, nôm na là tháo đầu ra. Trong khi đó, liên bộ Công Thương - Tài chính lại cho tăng giá đầu vào. Vô hình trung chúng ta hô hào cứu DN cũng như không, thưa bà?
+ Đúng thế, đây là chính sách điều hành không thiết thực, đầu ra thì tháo mà đầu vào tăng, hóa ra chẳng có ý nghĩa gì cho DN và người tiêu dùng. Hiện nay, mặc dù việc tiếp cận vốn của DN vẫn còn khó khăn, đang trong quá trình thương thảo với các ngân hàng đưa lãi vay về mức hợp lý nhưng DN vẫn có một niềm tin vào điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. DN chưa kịp mừng thì giá cả đầu vào tăng khiến DN tháo được chỗ này lại phình ở chỗ kia, niềm tin giảm sút. Bởi niềm tin của DN và dư luận phụ thuộc rất nhiều vào cách điều hành của Chính phủ, nó là cơ sở để đóng góp cho sự bình ổn của nền kinh tế khó khăn.
Đừng để DN tạo sức ép lên các bộ
. Biết rằng giá cả thế giới tăng thì giá trong nước tăng là điều khó tránh khỏi nhưng nhiều ý kiến cho rằng thay vì tăng giá, Bộ Tài chính nên chỉ đạo trích quỹ bình ổn hoặc giảm thuế nhập khẩu cho DN. Bà nhận định thế nào về ý kiến này?
+ Tôi đã từng phản ánh nhiều lần đừng bao cấp giá các mặt hàng mà Nhà nước nắm chi phối. Trong trường hợp nếu mặt hàng đó tăng với lý do chính đáng, đưa ra minh chứng cụ thể, tạo niềm tin cho xã hội thì tăng giá là điều chấp nhận.
Tuy nhiên, một thực tế các mặt hàng thiết yếu của chúng ta đang ở tình trạng độc quyền, phụ thuộc lớn vào DN chi phối. Tôi xin dẫn chứng, giá điện tăng từ 1-7 nhưng Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và Bộ Công Thương lại không giải trình hợp lý, để cho DN đưa ra những con số đơn giản mà không có sự so sánh tăng-giảm ra sao, thời điểm nào…
Với cách tính của ngành điện và thực trạng thua lỗ kinh doanh của EVN, cứ ba tháng tăng giá một lần mức 5%, tính ra mỗi năm tăng trên 20%, đó là chưa kể mức chênh lệch giữa các lần. Hay như xăng dầu, 10 ngày điều chỉnh giá, nếu tăng thì không quá 7%/lần, tính chung một tháng khoảng 20%, kể cả mức chênh lệch các lần tăng nữa thì cũng phải lên đến 25%. Với mức tăng như thế người dân và DN làm sao chịu nổi?!
Ở đây cái cốt yếu nằm ở các bộ chủ quản không có sự thúc ép đối với DN, ngược lại luôn tạo điều kiện để cho DN thực hiện quyền độc quyền chủ động khi điều chỉnh giá. Chính DN lại tạo sức ép lên các bộ.
. Vậy thay vì để các DN tăng giá để tránh lỗ thì bộ ngành quản lý cần làm gì?
+ Tôi nghĩ trong điều hành chính sách giá, đừng làm cho mọi việc khó hiểu, người dân rất muốn minh bạch rõ ràng, đơn giản. Đáng ra, trong lúc giá xăng dầu thế giới lên cao, thay vì để DN trong nước tăng giá, Bộ Tài chính nên sử dụng quỹ bình ổn giá hay giảm thuế nhập khẩu. Đừng mỗi lần giá lên cao lại đưa người tiêu dùng ra gánh.
Chỉ thành công trước mắt
. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hai tháng qua đều ở mức âm, tại họp báo Chính phủ mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam dự báo CPI tháng 8 có thể tiếp tục âm. Liệu đây có phải cái cớ để cơ quan điều hành cho các DN tăng giá mặt hàng thiết yếu?
+ Tất nhiên trong lúc lạm phát giảm, việc tăng giá các mặt hàng năng lượng, lương thực không tác động đến chỉ số CPI, bởi nhiều dự báo cho rằng lạm phát cả năm nay chỉ khoảng 7%-8%. Như vậy là Chính phủ thành công kiềm chế lạm phát dưới hai con số. Tuy nhiên, các nhà điều hành chính sách mới chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà họ không tính đến sự đình trệ của cả nền kinh tế. Các nhà quản lý hãy thử dạo một vòng ngoài thị trường xem có bao nhiêu cửa hàng treo biển giảm giá, khuyến mãi 50% mà vẫn không bán được hàng, nhiều siêu thị điện máy hàng tồn kho chất đống, không có tiền trả thuê mặt bằng. Vậy việc để tăng giá lúc này có nên không?
. Theo bà, với hoàn cảnh hiện nay, chúng ta nên có những điều chỉnh ra sao để hài hòa cho DN và nền kinh tế?
+ Tôi xin nhấn mạnh với cách điều hành giá thị trường theo kiểu “nửa vời” như hiện nay thì rất khó thay đổi, chỉ khi nào có sự cạnh tranh đúng nghĩa, sát thực tế thì may ra mới giải quyết được.
Tôi có cảm giác bộ chủ quản và cơ quan điều hành giá đang phó thác hết cho DN độc quyền rồi đổ trách nhiệm cho họ. Các bộ vẫn chưa làm hết trách nhiệm giám sát sự minh bạch, thay mặt người dân để bảo vệ quyền lợi. Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ từng nói: “Giải pháp của mọi giải pháp là chúng ta phải công khai và minh bạch về chính sách, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng”. Thế nhưng tính đến nay cách điều hành giá xem ra lại đi ngược với cam kết.
. Xin cảm ơn bà.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tính đến hết tháng 7, cả nước có gần 40.000 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn hơn 247.000 tỉ đồng, giảm 12,7% về số DN và 11,6% số vốn so với cùng kỳ 2011. Đồng thời, có hơn 30.000 DN gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 6,4% so với cùng kỳ 2011.

Theo Trà Phương
Pháp luật Tp.HCM

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Vì sao Google lại ghét và sợ Facebook?


Google dường như có sở thích gây thù chuốc oán với toàn các đai gia. Hục hặc với Apple ở mảng HĐH di động, đấu đá cùng Microsoft trong lĩnh vực tìm kiếm và với thương vụ mua lại Motorola vừa rồi, Google đã đặt mình vào vị trí đối đầu trực tiếp với cả các đồng minh truyền thống như HTC, Samsung...
Google dường như có sở thích gây thù chuốc oán với toàn các đai gia. Hục hặc với Apple ở mảng HĐH di động, đấu đá cùng Microsoft trong lĩnh vực tìm kiếm và với thương vụ mua lại Motorola vừa rồi, Google đã đặt mình vàovị trí đối đầu trực tiếp với cả các đồng minh truyền thống như HTC, Samsung...

Dường như giờ đây trong số các đại gia công nghệ của thế giới, đã chẳng còn ai ưa Google. Thế nhưng có 1 điều cần làm rõ, Google không hề "ngán" tất cả các hãng mà tôi vừa kể tên ở trên. Apple, Microsoft hay Samsung đều là những đối thủ hết sức đáng gờm, nhưng không hãng nào trong số đó có thể khiến Google "mất ăn mất ngủ".

Kẻ mà Google dè chừng nhất, không ai khác, chính là "đại gia mới phất": Facebook. Có lẽ sự e ngại của Google đối với Facebook không phải là điều gì mới mẻ, ngay từ khi Facebook chuyển sang hoạt động công khai, gã khổng lồ tìm kiếm đã xác định ngay rằng đối thủ chính của mình trong tương lai chính là anh chàng MXH còn trẻ măng. Và đến thời điểm hiện tại, khi Facebook đã vượt mặt Google về số lượt truy cập, sự lo sợ của gã khổng lồ tìm kiếm càng ngày càng trở nên... có lý.

Vậy thì, câu hỏi đặt ra là, vì sao 1 cỗ máy tìm kiếm như Google lại phải e ngại Facebook, 1 trang mạng xã hội trong khi lĩnh vực hoạt động của 2 công ty này khác nhau xa tới mức dường như chúng hoàn toàn có thể chung sống 1 cách hòa bình.

Tranh nhau bát cơm

Trước hết để hiểu vì sao Google và Facebook lại "ghét nhau từ cái nhìn đầu tiên", chúng ta phải hiểu về cách thức kiếm tiền của 2 công ty này. Google, nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm, email, bản đồ vệ tinh... và Facebook là 1 trang MXH là nơi để người ta kết nối, giao lưu với bạn bè, người thân. Mặc dù cung cấp những sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn khác biệt về bản chất, Google và Facebook có 1 điểm chung: Đều là công ty quảng cáo.

Thật vậy, đừng để những dịch vụ "màu mè" của Google và Facebook đánh lừa bạn, cả 2 đại gia này đều kiếm tiền bằng cùng 1 cách thức: Nhận tiền từ các bên có nhu cầu quảng cáo và trình chiếu quảng cáo đó cho người sử dụng dịch vụ của mình. Google Search, Gmail hay Facebook đều là những dịch vụ miễn phí, nhưng những ai muốn đăng quảng cáo trên trang web của các dịch vụ này thì sẽ phải trả tiền. Và đó chính là cách thức mà Google, Facebook "làm tiền".

Trông thì màu mè thực ra chỉ là tranh nhau tiền quảng cáo mà thôi.
Cùng ăn chung 1 bát cơm, nên điều tất yếu là sẽ xảy ra xung đột về lợi ích. Mà một khi quyền lợi đã bị đe dọa, không có gì khó hiểu khi cả 2 bên đều dành cho nhau những cái nhìn thù địch ngay từ thuở mới lọt lòng.

Tuy nhiên, luận điểm trên mới chỉ giải thích vì sao Google và Facebook ghét nhau mà chưa làm sáng tỏ lý do mà Google e dè Facebook. Về lý mà nói, khi Facebook mới ra đời cách đây 5,6 năm thì Google đã thống trị thế giới Internet được gần chục năm. Vì sao 1 gã khổng lồ như Google lại cảm thấy lo ngại trước 1 MXH "vắt mũi chưa sạch" như Facebook?

Mới thắng cũ

Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta lại cần đi sâu một chút vào bản chất cách thức hoạt động của Google và Facebook. Có 2 nguyên tắc chung và luôn đúng dành cho nghề quảng cáo: Một là quảng cáo đến với càng nhiều người xem thì càng kiếm được nhiều tiền. Hai là quảng cáo càng hướng được vào đối tượng có nhu cầu, quan tâm đến sản phẩm được quảng cáo thì hiệu quả càng cao.

Từ trước đến nay, để đảm bảo 2 yêu cầu đó của việc quảng cáo, Google thực hiện đồng thời 2 công việc. Việc đầu tiên là mở rộng thị phần tìm kiếm, càng nhiều người sử dụng Google Search, Gmail có nghĩa là độ phủ của quảng cáo do Google cung cấp càng rộng. Và công việc còn lại là cố gắng tìm cách trưng quảng cáo đó ra cho đúng đối tượng quan tâm đến nó. Về phần việc thứ nhất, với 15 năm hoạt động, Google Search đã lập ra 1 "mục lục" của toàn bộ thế giới Internet và đóng vai trò là "hướng đạo" người sử dụng, giúp họ tìm được thứ họ muốn xem ở trên Internet. Với vị trí như thế, tất nhiên lượng người dùng của Google là 1 con số khổng lồ.

Quảng cáo phải có độ phủ và độ chính xác cao mới đáng giá.
Phần việc còn lại, Google cố gắng tìm cách tối ưu hóa các thuật toán trình bày quảng cáo của mình để đạt được kết quả chính xác nhất. Cụ thể là với Google Search, khi tôi tìm kiếm từ khóa "học tiếng anh" thì các quảng cáo liên quan tới trung tâm dạy tiếng anh ở lân cận vùng tôi sinh sống được Google trưng ra. Cách quảng cáo như thế này đem lại hiệu quả cao hơn hẳn các phương thức quảng cáo truyền thống như trên Tivi hoặc báo giấy, đồng nghĩa với việc Google kiếm được nhiều tiền hơn hẳn các công ty quảng cáo truyền thống.

Nhưng ở đây nảy sinh 1 vấn đề: Quảng cáo của Google tập trung rất tốt vào các đối tượng tìm kiếm, nhưng nó chỉ dừng lại ở đó. Google nắm giữ rất nhiều thông tin quan trọng của người sử dụng thông qua các dịch vụ như Gmail, Google Docs, Google Maps... Tuy nhiên Google lại bị ràng buộc bởi cam kết của chính hãng này rằng sẽ không sử dụng các thông tin thu thập được để gán vào 1 cá nhân cụ thể và tối ưu hóa kết quả quảng cáo cho người đó. Những cam kết kiểu này giúp Google mua được sự tin cậy của người sử dụng, nhưng đồng thời cũng hạn chế độ chính xác của quảng cáo từ Google. Vì thế các dịch vụ như Gmail của Google vẫn đang trưng bày quảng cáo theo kiểu "hú họa" và kém hiệu quả.

Ngoại trừ Google Search, các dịch vụ như Gmail của Google hầu như vẫn đang trưng quảng cáo 1 cách "hú họa".
Những gì mà Google còn thiếu, thì Facebook lại sở hữu 1 cách hoàn hảo. Hãy tưởng tượng khi bạn "Like" fan page của 1 ban nhạc, Facebook đã biết rằng bạn hâm mộ ban nhạc đó, và thông tin ấy được "trói" vào tài khoản Facebook của bạn. Dần dà qua thời gian bạn hoạt động, Facebook sẽ thu thập được sở thích, tính cách, tuổi tác, thu nhập, vị trí và các mối quan hệ của bạn. Đối với 1 công ty quảng cáo như Facebook, Google thì những thông tin này là vô giá, nhất là khi Facebook hoàn toàn có thể sử dụng chúng cho các hoạt động quảng cáo của mình chứ không bị bó buộc như Google. Nói cách khác, quảng cáo của Facebook sẽ tốt hơn quảng cáo của Google rất nhiều lần và điều này đe dọa trực tiếp đến "miếng cơm manh áo" của gã khổng lồ tìm kiếm.

Hơn thế nữa, ngay từ buổi mới ra đời, Facebook đã áp dụng những phương án ngăn chặn Google thu thập thông tin từ trên các trang profiles của Facebook. Với 1 công ty đòi hỏi độ phủ như Google, việc có 1 "điểm mù" với trên 700 triệu người sử dụng là điều vô cùng nguy hiểm. Hơn nữa thói quen không sử dụng Google Search để truy cập Facebook của người sử dụng cũng là 1 điều mà Google cảm thấy lo ngại. 

Với vị trí thống trị của mình, Google có thể giết bất cứ website nào chỉ bằng việc gỡ chúng ra khỏi kết quả tìm kiếm. Nhưng Google không thể làm thế với Facebook, một phần là vì số lượng người sử dụng Facebook quá lớn, một phần là vì người dùng Facebook chưa từng có thói quen truy cập MXH này thông qua Google. Google từng tự hào rằng không nơi nào trên Internet là không có bóng dáng Google, giờ đây trên Internet lại đang tồn tại 1 "lỗ đen" với hơn 1 nghìn tỉ lượt xem 1 ngày mà Google không tài nào khống chế được.

Và cuối cùng, điều mà Google e ngại nhất ở Facebook đó là tốc độ tăng trưởng của MXH này và việc nó thay đổi cách thức mà con người sử dụng Internet. Thay vì như trước đây chúng ta sử dụng nhiều trang web để giải trí, đọc tin tức và giao lưu bạn bè, từ đó nảy sinh nhu cầu sử dụng các công cụ tìm kiếm để định vị thông tin.Giờ đây với MXH, tất cả công việc đều tập trung vào 1 trang web, chúng ta có thể đọc được những thông tin mình quan tâm chỉ bằng cách "like" 1 vài trang tin trên Facebook hoặc giải trí ngay trên MXH này. Tất nhiên Facebook sẽ không bao giờ thay thế Google Search, nhưng không thể phủ nhận rằng sự ra đời của Facebook đã làm lu mờ khá nhiều vai trò của 1 công cụ tìm kiếm như Google trong đời sống hàng ngày của các công dân Internet.

Kết

Google cảm thấy e ngại Facebook vì MXH này đang ngày càng thu hút nhiều thành viên, từ đó khiến cho tầm ảnh hưởng của nó càng sâu rộng hơn. Đến 1 lúc nào đó, quảng cáo trên Facebook sẽ sánh ngang tầm với quảng cáo trên Google và đe dọa trực tiếp đến nguồn thu của gã khổng lồ tìm kiếm.

Dù vậy cũng chưa phải đã hết cơ hội cho Google. Những động thái gần đây của Google như phát triển Android, mở thêm Google+ đều để nhằm tới 2 mục đích: Phủ quảng cáo rộng hơn và quảng cáo chính xác hơn. Kết quả của cuộc chiến giữa Facebook và Google sẽ ngã ngũ ra sao thì hiện tại vẫn còn quá sớm để nhận định. Chỉ dám chắc chắn 1 điều rằng 2 ông lớn này cạnh tranh với nhau thì người được lợi nhất và khổ sở nhất đều là người tiêu dùng. Được lợi khi có thể hưởng những dịch vụ miễn phí với chất lượng cao hơn, và khổ sở khi liên tục phải xem những quảng cáo hết sức hấp dẫn và cũng rất dễ gây bệnh "viêm màng túi".

Không lên facebook nữa

Lên facebook cũng giống như cặm cụi nhặt rác vậy. thỉnh thoảng nhặt được vài cái chai lọ hay hay, nhưng bán cũng chẳng đáng bao nhiêu tiền. còn lại hầu hết những cái mình nhìn thấy đều nhảm nhí và không cần thiết

Những cuộc tỉ thí sặc mùi tiền giữa Hắc công tử và Bạch công tử


Trong lịch sử hơn 300 năm từ lúc những lưu dân miền Trung đầu tiên đặt chân khai phá vùng đất Nam bộ từ cuối thế kỷ 17 tới nay, Hắc công tử Trần Trinh Huy và Bạch công tử Lê Công Phước là 2 người đàn ông ăn chơi nổi tiếng hơn cả trên đất miền Tây.

 >>  Về Bạc Liêu ngủ nhà Công tử!

Ngẫu nhiên mà cả hai đều sống trong cùng thời kỳ (vào các thập niên 1920 và 1930), thậm chí là cùng ăn chơi, thi thố ăn chơi với nhau, trước họ và sau họ không có ai ngấp nghé tới tầm ăn chơi hoang phí cỡ họ.
Giữa họ có nhiều có nhiều điều trùng hợp: Kế thừa gia sản kếch sù của cha mẹ để lại và ăn chơi đến tan hoang gia sản; cùng đi du học ở Tây nhưng không ai học hành gì mà chỉ lo ăn chơi; cùng theo đuổi cô Bảy Phùng Há (sau đó chỉ 1 người trong họ chiến thắng và cưới bà P.H. làm vợ) và cô Ba Trà và cùng chơi ngông… đốt giấy bạc để tạo nên giai thoại bất hủ về sau. Thời còn sở hữu cả núi của cải, hai người đã có những cuộc tỉ thí mà cái giá phải trả mỗi lần tương đương với hàng trăm triệu đồng theo thời giá hiện nay.
Thi ăn chơi giữa Paris
Theo các nguồn tư liệu hiện có thì Hắc công tử (tức công tử Bạc Liêu) lớn hơn Bạch công tử một tuổi (Hắc công tử sinh năm 1900, Bạch công tử sinh năm 1901). Thế nhưng, trong khi năm sinh của Hắc công tử còn lưu lại rõ ràng trên giấy tờ, thì Bạch công tử khi chết đi không để lại giấy tờ gì, vì vậy không ai biết đích xác năm sinh của ông.
Có ý kiến cho rằng, năm sinh 1901 của Bạch công tử do chính ông đưa ra là đã “khai gian” khoảng 3 – 4 tuổi nhằm làm giảm tuổi thật của mình để cho tuổi của ông không quá chênh lệch so với tuổi của cô đào P.H. (sinh năm 1913) khi ông quen bà vào đầu thập niên 1930. Có khả năng Bạch công tử sinh khoảng năm 1897 – 1898, tức lớn hơn Hắc công tử 2 – 3 tuổi.
Nhà của Hắc công tử, nơi diễn ra cuộc thi đốt tiền nấu đậu xanh.

Điều này không phù hợp với câu chuyện kể: đã có lần Hắc công tử khi thi đốt tiền để nấu chè đậu xanh với Bạch công tử và bị thua, đã nói với Bạch công tử: “Chú em mày nhỏ tuổi, háo thắng, nên qua (cách xung hô của người lớn hơn nói với người nhỏ hơn ở Nam bộ thời xưa) nhường cho chú mầy thắng đó”.
Hắc công tử và Bạch công tử cùng được cha (hội đồng Trần Trinh Trạch ở Bạc Liêu và đốc phủ Lê Công Sủng ở Mỹ Tho) cho sang Pháp du học vào cuối thập niên 1910, đầu thập niên 1920. Cả hai cùng tiêu hàng núi tiền của gia đình ở giữa Paris tráng lệ nhưng không ai học hành nên trò trống gì, ngoài bộ môn nhảy đầm (Hắc công tử nhảy rất giỏi) và sân khấu amateur (Bạch công tử mê cải lương nên theo học “hàm thụ” về sân khấu).
Tại Paris, cả Hắc công tử và Bạch công tử đều nổi tiếng không chỉ trong giới du học sinh người Việt, mà ngay cả người Việt định cư tại Pháp và dân Pháp cũng biết tiếng. Nếu như Hắc công tử nổi tiếng trong các vũ trường, thì Bạch công tử hay la cà trong các nhà hát nổi tiếng, tất nhiên cả hai đều là khách hàng quen thuộc của các nhà hàng sang trọng, nổi tiếng ở Paris. Nếu như Hắc công tử sống như vợ chồng với một cô gái Pháp chính hiệu (có nguồn tin cho rằng họ có với nhau một người con), thì Bạch công tử lại cặp kè với một cô gái Nga có dòng dõi Sa Hoàng, có mái tóc vàng ánh, cặp mắt màu xanh lơ, đẹp như hoa hậu.
Sau khi về nước, cả hai ông đều không ai còn liên hệ với người tình cũ của mình trên đất Pháp. Khi còn “du học” bên Pháp, Hắc công tử và Bạch công tử có quen biết nhau, vì cùng là dân “Lục tỉnh Nam kỳ” ở nơi quê người, nhưng không chơi thân với nhau.
Thời trên đất Pháp họ cũng không hề ganh đua với nhau trong ăn chơi, vì họ chỉ là dân ăn chơi đến từ nước thuộc địa, tiền cho ăn học bên nhà gửi sang Pháp dù thật dồi dào nhưng dù sao cũng là tiền “đi ăn học” chịu sự kiểm soát và chi phối của gia đình, đâu thấm tháp gì so với cách ăn chơi của những “ông hoàng bà chúa” ở tại “mẫu quốc”. Trên đất Pháp họ chưa biết “tức nhau tiếng gáy”, điều mà sau này khi trở về nước họ đã không ai chịu thua ai, bởi vì cả nước Nam khi ấy không ai ăn chơi bằng họ, người ăn chơi “trội” hơn người kia nghiễm nhiên trở thành “đệ nhất thiên hạ” trong chốn ăn chơi.
Người chơi máy bay, kẻ sắm du thuyền
Sau 5- 6 năm đi du học, nhưng thực ra là ăn chơi trên nước Pháp, Hắc công tử và Bạch công tử trở về nước trong sự kỳ vọng và chào đón như ông hoàng của gia đình họ. Ông hội đồng Trần Trinh Trạch đã mua hẳn chiếc xe hơi từ Pháp mới nhập cảng qua nước ta để đi đón cậu quý tử từ Pháp về sân bay Sài Gòn. Sau đó, ông đã tổ chức bữa tiệc linh đình tại Bạc Liêu, mà khách mời không thiếu vị quan chức hay người giàu có nào khắp Nam kỳ, để mừng ngày “cậu Ba Huy” học “thành tài” về nước.
Ông đốc phủ Lê Công Sủng ở Mỹ Tho đón cậu quý tử của mình khiêm tốn hơn, nhưng cả tỉnh Mỹ Tho ngày ấy đi đâu cũng nghe mọi người bàn tán chuyện “cậu George Phước” vừa “vinh quy bái tổ”. Ông hội đồng Trạch đã không chút nghi ngờ, không cần biết con mình học ở Pháp đạt bằng cấp gì, ông thật sự hài lòng với phong cách lịch lãm của cậu Ba Huy, nhất là khi cậu còn biết lái ca nô, xe hơi và lái cả máy bay.
Vì vậy mà hội đồng Trách đã tin tưởng giao cả cơ ngơi, sản nghiệp cho cậu Ba Huy quản lý, điều hành, mà cơ ngơi của ông hội đồng Trạch khi ấy thật khó mà hình dung: khoảng 100 ngàn hecta đất trồng lúa, hơn 100 ngàn hecta sở ruộng trồng muối. Ông là người cung cung nguồn lúa gạo xuất khẩu chủ lực khi ấy, ông cũng chi phối độc quyền chuyện sản xuất và tiêu thụ muối khắp Nam kỳ.
Trong khi đó, vốn là người có học, ông đốc phủ Sủng đã sớm nhận ra con mình từ Pháp trở về không học hành được trò trống gì, ngoài chuyện ăn chơi. Vì vậy mà ông đã không giao cho đứa con George Phước bất cứ điều kiện nào để có thể tiếp tục ăn chơi, thậm chí ông còn bắt đứa con “hư” phải làm việc, lao động chân tay (phụ làm “phu” xây dựng khi ông cất ngôi nhà mới ở Mỹ Tho) như là cách phạt về cái tội không chịu học hành trên đất Pháp.
Vì vậy mà vào giữa thập niên 1920, khi Hắc công tử đã bắt đầu nổi tiếng về ăn chơi ở đất Bạc Liêu và cả Nam kỳ thì Bạch công tử hầu như chưa được ai biết tới, ngoài một số người ở Mỹ Tho biết đến từ cái dạo Bạch công tử mới từ Pháp trở về. Thế nhưng, cơ hội ăn chơi đã đến với Bạch công tử khi đốc phủ Sủng cha ông đã sớm qua đời vào năm 1927, trước đó mẹ ông cũng đã mất vì bệnh lao, để lại cho Bạch công tử toàn bộ gia sản kếch sù mà cả một đời làm quan của cha và hoạt động kinh doanh, làm ăn bên gia đình mẹ tạo ra. Kể từ đó Hắc công tử bắt đầu có đối thủ ăn chơi, chứ không còn “một mình một chợ” như trước.
Cô Bảy P.H., ngưởi được cả 2 công tử theo đuổi, cuối cùng thành vợ của Bạch công tử.

Được cha là hội đồng Trạch giao cai quản hàng trăm ngàn hecta ruộng lúa và ruộng muối, với huê lợi hàng năm không thể tính xuể, Hắc công tử với đầu óc phóng túng đã thuê hẳn một nhà quản lý giỏi từ Pháp sang làm thuê cho mình, với tiền thuê hàng năm bằng 10% lợi nhuận mà Hắc công tử thu được. Nhờ có người quản lý tài ba người Pháp, Hắc công tử không lo lắng chuyện gì khác, ngoài việc chú tâm vào ăn chơi, thỉnh thoảng đi thăm điền thổ như là thú vui của mình.
Lái xe hơi trên bờ mãi cũng chán, Hắc công tử sắm ca nô (là phương tiện cực kỳ xa xỉ thời đó, cả nước chỉ có 5 – 7 chiếc). Rồi ca nô cũng chán, Hắc công tử sắm cả máy bay để đi thăm ruộng và đi du hí, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay tư nhân chứ không phải ông bầu Đoàn Nguyên Đức – chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và chủ đội bóng đá cùng tên – khi ông này sắm máy bay riêng vào năm 2006. Trong khi đó, Bạch công tử cũng chọn cách chơi nổi không kém, khi tậu về cho mình cả một đoàn hát cải lương và thuê đóng hẳn những chiếc du thuyền sang trọng để đích ông đưa đoàn cải lương đi hát khắp Nam kỳ.
Thời ấy, cải lương là bộ môn nghệ thuật giải trí phổ biến, nếu không nói là duy nhất, khắp nông thôn, thành thị miền Tây. Vì vậy nghệ sĩ rất được coi trọng, ông bầu các đoàn cải lương rất có uy, được xã hội trọng vọng. Bạch công tử đã tậu về cả một gánh hát cải lương và đặt tên là Huỳnh Kỳ (cờ màu vàng, tuợng trưng cho vua chúa), càng nổi bật hơn khi Bạch công tử đã biến một đoàn cải lương vốn ăn ở tạm bợ, sinh hoạt bề bộn, thành một đoàn hát chính quy, sang trọng, được tổ chức chặt chẽ, ăn ở tươm tất, được đầu tư các phương tiện kỹ thuật tiên tiến nhất bên Pháp vào thời đó.
Dù đã sắm hẳn máy bay, nhưng Hắc công tử đã thấy “nóng mũi” khi Bạch công tử đi trước một bước với việc thuê đóng hẳn mấy chiếc du thuyền sang trọng đi theo đoàn hát của mình. Ở bên Tây thời ấy, chơi du thuyền là mốt thời thượng của giới quý tộc, những triệu phú giàu có nhất. Là dân chơi từ bên Tây về, hẳn cả Hắc công tử và Bạch công tử đều biết điều đó và đều thầm mơ được sở hữu một chiếc du thuyền. Thế nhưng, thời ấy du thuyền chưa xuất hiện ở nước ta, cũng chưa ai đủ sức bỏ hàng triệu phơ-răng để sắm du thuyền. Ấy vậy mà Bạch công tử đã nghĩ ra cách trang bị cho mình một chiếc du thuyền sang trọng không kém gì những chiếc du thuyền mà ông từng đặt chân lên bên trời Âu.
Với phương châm “cây nhà lá vườn”, Bạch công tử đã thuê 1 cơ sở đóng ghe lớn nhất ở Mỹ Tho đóng cho mình chiếc ghe bầu loại “khủng”, cao 2 tầng, trên ấy ông thiết kế không gian giống như du thuyền bên Tây. Xong Bạch công tử đặt mua các trang bị kỹ thuật, trang trí nội thất…từ bên Pháp về để lắp vào, để chiếc ghe bầu không khác gì du thuyền.
Ngoài chiếc du thuyền dành cho riêng mình, Bạch công tử cũng cho đóng thêm 3 chiếc ghe bầu khác nhỏ hơn, trang bị ít hiện đại hơn chiếc đầu tiên, dành cho đào kép, thầy đờn và cả một đội bóng đá đi theo đoàn hát. Nếu như chiếc máy bay của Hắc công tử có làm cho một số người trầm trồ khi nó bay ngang qua, nhưng không phải ai cũng biết người ngồi trên máy bay là ai, thì mỗi khi đoàn du thuyền chở gánh hát của Bạch công tử ghé vào một bến chợ nào đó để chuẩn bị biểu diễn, đó thật sự là sự kiện trong vùng, tiếng tăm của Bạch công tử nhờ vậy mà nổi như cồn.
Với việc tổ chức tiệc tùng linh đình mời cả “lục tỉnh Nam kỳ” đến dự và với việc sắm máy bay riêng, Hắc công tử đã vượt trội lên trên Bạch công tử trong đường ăn chơi. Nhưng ngay sau đó, Bạch công tử đã gỡ điểm với việc tậu cả một đoàn hát nổi tiếng và sắm hẳn cho mình chiếc du thuyền sang trọng như mơ.
Trong năm 2011 này, ai có dịp đến thành phố Cần Thơ sẽ hình dung được chiếc du thuyền của Bạch công tử ngày trước ra sao. Tại khách sạn Xuân Khánh (đường 40/4, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) có chiếc du thuyền bằng gỗ đậu bên bờ sông Cái Răng. Chiếc du thuyền có 2 tầng này dùng để đưa khách quốc tế đi theo tour tham quan dọc theo dòng sông Hậu và chợ nổi Cái Răng. Theo thời giá hiện nay, để đóng chiếc du thuyền này phải cần đến 5 – 6 tỉ đồng.
Theo mô tả của người xưa, chiếc du thuyền của Bạch công tử ngày nào quy mô hơn và đẹp hơn chiếc du thuyền ở khách sạn Xuân Khánh hiện nay. Mà Bạch công tử từng có 3 – 4 chiếc ghe bầu lớn cỡ đó. Điều đó cho thấy, chỉ riêng phương tiện đi lại của Bạch công tử ngày ấy đã lên đến hàng chục tỉ đồng theo thời giá hiện nay. Dân ăn chơi “chính hiệu” không bao giờ họ lập lại món ăn chơi của đối thủ cạnh tranh, mặc dù họ thừa khả năng, mà bao giờ họ cũng tìm tòi những ngón độc chiêu cho riêng mình, vì vậy mà cuộc tỉ thí trên con đường ăn chơi giữa Hắc công tử và Bạch công tử tiếp tục diễn ra đầy kịch tính, bất phân thắng bại.
Thi chinh phục người đẹp
Ở Nam kỳ, vào các thập niên 1920 và 1930, có một người đàn bà nổi tiếng về sắc đẹp, thường được phong cho danh hiệu “Hoa hậu Đông Dương” mặc dù trên thực tế chưa có cuộc thi Hoa hậu Đông Dương nào được tổ chức tới lúc đó. Bà tên là Trần Ngọc Trà (không rõ năm sinh), là con thứ ba trong gia đình, lại quê ở Trà Vinh, nên người ta gọi bà cô cô Ba Trà. Cô Ba Trà đẹp nổi tiếng trong giai đoạn Hắc công tử và Bạch công tử thi nhau ăn chơi, vì vậy không lạ gì khi cả hai ông cùng ném tiền vào để chinh phục “Hoa hậu Đông Dương” này.
Cô Ba Trà là con gái thầy Thông Chánh và bà Ngô Thị Đen. Bà Đen nổi tiếng xinh đẹp ở Trà Vinh, vì vậy mà viên chánh án Trà Vinh tên Jaboin cứ theo ve vãn, tức mình thầy Thông Chánh Chung đã rút súng bắn chết kẻ ve vản vợ mình ngay tại lễ độc lập của Pháp. Thầy Thông Chánh bị kết án tử hình, cô Ba Trà rời Trà Vinh về Sài Gòn và trở nên nổi tiếng nhờ sắc đẹp.
 
Hình cô Ba Trà, người phụ nữ được Hắc công tử và Bạch công tử mê mệt.

Học giả Vương Hồng Sển trong tác phẩm "Sài Gòn tạp pí lù" miêu tả cô Ba Trà: "Cô đẹp tự nhiên không ai bì được. Không răng giả, không vú cao su, tóc dài chấm gót, mướt mượt và thơm dầu dừa mới thắng". C
ô Ba Trà đẹp đến nỗi Ngân hàng lúc đó đã in nổi hình của cô trên giấy bạc. Nhà Dây thép Đông Dương hoạ hình để in thành tem thư. Hãng xà bông Trương Văn Bền lớn nhất Việt Nam lúc đó cũng xin phép được in hình cô làm nhãn hiệu tượng trưng cho sự trong sạch thơm tho. "Xà bông Cô Ba" với hình ảnh người thiếu nữ đẹp tuyệt trần đeo chuỗi ngọc trai trong khung hình bầu dục đã bán rộng khắp ba kỳ và trên toàn cõi Đông Dương.
Cô Ba Trà thực sự là một bà hoàng không ngai làm các ông phủ, ông huyện, các công tử, thầy thông, thầy ký đều nhìn cô thán phục, thèm thuồng... Các công tử ăn chơi nổi tiếng thời đó như Hắc công tử, Bạch công tử...đều xem việc chinh phục cô Ba Trà là mục tiêu, là uy tín, danh dự của mình, vì vậy mà ai cũng tranh nhau phá của cha mẹ để lại để cung phụng cho cô. Chuyện kể rằng, không cần cô Ba Trà mở lời, hễ Bạch công tử nghe nói Hắc công tử tặng cô Ba Trà món đồ gì quý, ông hỏi giá và tìm mua cho kỳ được món quà đắt hơn để tặng.
Đến lượt Hắc công tử cũng làm tương tự, vì vậy mà cô Ba Trà sở hữu không biết bao nhiêu quà tặng quý giá của hai ông, từ túi xánh tay, quần áo hàng hiệu, dây chuyền, nhẫn hột xoàn, nhà cửa, xe cộ…Trong việc “giành gái” là cô Ba Trà, có một giai thoại về giữa Hắc công tử và Bạch công tử còn lưu truyền đến ngày nay. Đó là cuộc thi đốt tiền đun một ký đậu nấu chè của hai đại công tử này trước sự chứng kiến của cô Ba Trà.
Dù cả Hắc công tử và Bạch công tử đổ rất nhiều tiền của để tranh nhau chinh phục trái tim của “Hoa hậu Đông Dương”, nhưng cuối cùng không ai sở hữu được đóa hoa rực rỡ nhất Nam kỳ thời đó. Có một người đàn bà tài sắc vẹn toàn khác cũng được cả Hắc công tử và Bạch công tử thi nhau chinh phục, nhưng cuối cùng phần thắng thuộc về Bạch công tử, đó là cô đào cải lương nổi tiếng nhất thời đó, cũng là nữ nghệ sĩ có đóng góp nhiều nhất cho cải lương trong thế kỷ XX, đó là cô Bảy P.H.
Bạch công tử không giàu tiềm lực kinh tế bằng Hắc công tử, nhưng nhờ lợi thế là người am hiểu nghệ thuật sân khấu (ông rất mê cải lương và từng theo học về sân khấu khi ở Pháp) và là đồng hương Mỹ Tho của cô Bảy P.H., nên ông đã chiến thắng trong cuộc đua vào trái tim của người nghệ sĩ tài danh này. Cô Bảy P.H. đã về làm vợ của Bạch công tử thời gian dài 7 năm, sinh được 2 đứa con, nhưng người phụ nữ giàu lòng nhân hậu này đã đau khổ cùng cực vì thói ăn chơi của chồng. Nếu ngày ấy Hắc công tử chiến thắng để cưới được cô Bảy P.H., tôi tin là đời cô cũng không khá gì hơn, vì cả 2 người đàn ông này đều giống nhau ở thói ăn chơi vô độ, trong khi cô Bảy là người đa cảm, tôn sùng nghệ thuật và cái đẹp, cô không thể thích nghi được với họ.
Họ đã đốt tiền như thế nào?
Trong các cuộc ăn chơi vô độ của 2 đại công tử nổi tiếng nhất Nam kỳ thuở ấy, trong các cuộc tỉ thỉ triền miền giữa họ, có lẽ nổi tiếng hơn cả là việc họ thi nhau đốt tiền để chứng tỏ đẳng cấp, sự giàu có, bản lĩnh của mình. Không phải đốt tiền 1 lần, mà đến 2 lần.
Thực ra trong lần đốt tiền thứ nhất, Bạch công tử là người bị động, không tham gia, chính Hắc công tử đã chứng tỏ là người sành đời, đã tung độc chiêu hạ gục đối thủ.
Đó là khi gánh hát Huỳnh Kỳ do Bạch công tử mới thành lập về hát ở Bạc Liêu, ngay tại nhà của Hắc công tử. Lúc đó cả 2 người đang đua nhau trên còn đường dẫn đến trái tim của cô Bảy P.H., đào chính của gánh hát Huỳnh Kỳ. Bạch công tử đã mời Hắc công tử đến xem tuồng hát để khoe việc mình tậu được đoàn hát nổi tiếng, hai người ngồi gần nhau trên hàng ghế đầu, xung quanh là nhiều quan chức tỉnh bạc Liêu.
Khi tuồng hát đang diễn ra, trong rạp lờ mờ ánh sáng từ sân khấu hắt xuống, khi rút thuốc hút từ trong túi, tình cờ Bạch công tử làm rơi tờ giấy bạc “bộ lư” (mệnh giá 5 đồng Đông Dương) xuống nền. Người chủ gánh hát cúi xuống tìm nhặt tờ giấy bạc, nhưng trong rạp tối mờ, nên tìm không ra. Hắc công tử hỏi: “Toa làm gì đó?”. Bạch công tử thiệt thà đáp: “Moa làm rớt tờ giấy bạc “bộ lư””.
Không nói không rằng, Hắc công tử móc túi lấy tờ giấy bạc “con công” (mệnh giá 100 đồng Đông Dương, tương đương khoảng 10 triệu đồng hiện nay) rồi lạnh lùng bật hộp quẹt đốt để làm “đuốc’ soi cho Bạch công tử tìm tờ giấy bạc “bộ lư” bị rớt mất.
Vụ việc ấy diễn ra trước mắt nhiều người, sau đó họ đồn thổi thành câu chuyện ly kỳ giữa Bạch công tử và Hắc công tử. Tất nhiên, Bạch công tử đã bị Hắc công tử chơi 1 vố quá nặng, quá mất mặt trước mọi người và trước cô đào P.H. Thế nhưng, câu chuyện đó chẳng có ý nghĩa gì với cô Bảy P.H., bởi sau đó bà và Bạch công tử đã thành hôn với nhau.
Bị thua 1 vố quá đau trong vụ đốt tiền làm đuốc ở Bạc Liêu, Bạch công tử rắp tâm nghiên cứu cách trả đủa lại Hắc công tử, và ông đã thách đấu cũng liên quan đến chuyện đốt giấy bạc. Nội dung thách đấu là: Mỗi người dùng giấy bạc, đốt từng tờ nấu nồi chè 1kg đậu xanh, ai nấu nồi chè sôi trước người ấy thắng. Hắc công tử đã nhận lời thách đấu, địa điểm được tổ chức là trước sảnh nhà của Hắc công tử, người làm chứng (trọng tài) là cô Ba Trà, cũng là đối tượng mà cả 2 đại công tử đang theo đuổi.
Giấy bạc làm bằng loại giấy khó cháy, khi cháy tỏa nhiệt không nhiều, vì vậy phải mất gần 1 giờ cuộc thi mới kết thúc. Hàng trăm người căng thẳng theo dõi cuộc thi có một không hai này. Cả Hắc công tử và Bạch công tử đều chăm chú đốt tiền nấu nồi đậu xanh, mồ hôi nhễ nhại. Hắc công tử đốt những tờ giấy bạc có mệnh giá lớn, từ 50 đến 100 đồng Đông Dương, vì ông nghĩ tờ giấy lớn sẽ cháy lửa lớn, nồi chè mau sôi.
Thế nhưng, do là người chủ động đề xuất cuộc thi, Bạch công tử đã nghiên cứu và đốt thử trước nên biết rằng, tờ giấy bạc 10 đồng Đông Dương tuy nhỏ nhưng cháy nhanh và tỏa nhiệt nhiều, vì vậy ông chuẩn bị toàn tờ 10 đồng để thi nấu đậu xanh. Tất nhiên là Bạch công tử đã chiến thắng sau gần 1 giờ thi đấu căng thẳng. Hắc công tử đã thua mà không biết vì sao mình thua, ông chỉ biết nói cho đỡ quê: “Chú em nhỏ tuổi nên háu thắng, qua nhường cho chú em thắng đó”.
Theo tính toán của nhiều người, để nấu sôi được nồi chè có 1kg đậu xanh, trong thời gian gần 1 giờ, mỗi công tử đã đốt gần 100 tờ giấy bạc. Nếu Hắc công tử đã đốt toàn giấy 50 đồng trở lên, thì chí ít ông cũng phải đốt 5 ngàn đồng Đông Dương, số tiền có thể mua được 3 ngàn giạ lúa lúc đó, tương đương với khoảng 300 triệu đồng hiện nay.
Dù vậy Hắc công tử vẫn cứ bị thua trong cuộc thi. Quả là quá đau! Người đời sau thắc mắc 1 chuyện: ngày ấy trên tờ giấy bạc có ghi “Ai làm giả hoặc hủy hoại giấy bạc sẽ bị phạt tù khổ sai”, vậy tại sao các công tử công khai đốt giấy bạc mà chẳng ai làm gì họ? Câu trả lời thật đơn giản: bởi vì họ là các đại công tử, số tiền họ đốt chỉ là phần nhỏ trong gia sản của họ, họ có thể dùng số tiền tương tự để “chữa cháy” vụ đốt tiền nói trên!
 
Theo Đất Việt/Phụ nữ Thủ đô