Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

MỘT BÀI BÁO HAY VỀ CHỨNG KHOÁN VÀO NĂM 2009


Ở Việt Nam, chứng khoán đã ra mắt các nhà đầu tư nhân dân như một trò chơi kiếm tiền nhanh, nhiều người đã coi chứng khoán là cơ hội đổi đời. Dân ta đã đầu tư chứng khoán theo phòng trào, giống hệt như đã từng nhà nhà đi nuôi chim cút, nuôi chó nhật, … rồi gần đây hàng trăm ngàn người trở thành nạn nhân của các ngón lừa đảo đầu tư vàng, ngoại tệ trên mạng.
Thông thường, người ta trở nên cả tin, trở nên nhẹ dạ hơn bao giờ hết khi bị lòng tham chi phối. Mọi người đều kỳ vọng vào những mức lợi nhuận mà không một ngành sản xuất kinh doanh tử tế nào có thể đáp ứng nổi. Tôi luôn nói với mọi người là bất kỳ hoạt động đầu tư nào hứa hẹn đem lại trên 5% mỗi tháng đều chứa đựng những nguy cơ, mạo hiểm tiềm tàng hoặc yếu tố lừa đảo.
Trở lại sàn chứng khoán Việt Nam, có những giai đoạn, chỉ số PE của các công ty niêm yết lên tới 70 – 80 mà các nhà đầu tư vẫn mua ào ào. Mọi người ôm chứng khoán vào với niềm tin là sau vài phiên (T + 3) có thể bán được và thu về 15 – 20% lợi nhuận. Chứng khoán bỗng nhiên có tính thanh khoản như tiền và người mua coi đây như một hình thức ”gửi tiết kiệm” với lãi xuất hàng chục phần trăm mỗi tuần
Khi đã coi chứng khoán như tiền, không ai quan tâm đến giá trị thật của chứng khoán nữa mà chỉ quan tâm xem chứng khoán này ngày mai có “cởi trần” (tăng giá trần) hay không mà thôi. Ai cũng nghĩ mình là người khôn ngoan nhất, mình sẽ là người rút chân được ra đầu tiên trước khi cơn hồng thủy ập tới.
Các công ty niêm yết với số thăng dự vốn khổng lồ lại tiếp tục đổ hết vào quanh vòng chứng khoán. Ai cũng khấp khởi với lợi nhuận tăng nhanh hàng tuần. Có những công ty tự hào ôm được lượng chứng khoán rẻ tuyên bố “muốn có mức lợi nhuận bao nhiêu cũng được, chỉ cần thanh khoản danh mục đầu tư”.
Các công ty đua nhau trình ra những bản báo cáo tài chính với chỉ số EPS cao ngất ngưởng. Các nhà đầu tư thì choáng váng, mờ mắt không phân biệt được đâu là lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống, đâu là lợi nhuận từ đầu tư tài chính. Đối với một công ty tay ngang, lợi nhuận từ đầu tư tài chính chỉ đáng giá bằng một phần mười lợi nhuận sản xuất kinh doanh truyền thống. Lợi nhuận từ đầu tư tài chính rất mong manh, hôm nay có thể kiếm được hàng tỷ nhưng không có gì bảo đảm là ngày mai còn kiếm được như vậy, chưa kể còn có thể lỗ gấp nhiều lần những gì kiếm được ngày hôm nay.
1322449178 chungkhoan MỘT BÀI BÁO HAY VỀ CHỨNG KHOÁN VÀO NĂM 2009
Nhiều công ty thuộc hàng blue chip trên sàn chứng khoán đã liên kết với nhau chơi trò chơi cổ đông chiến lược. Công ty A bán cho Ngân hàng B 10% cổ phần, Ngân hàng B bán cho Công ty C 10% cổ phần rồi Công ty C lại bán cho Công ty A 10% cổ phần. Cả 3 công ty là những nhà đầu tư chiến lược của nhau. Hàng Quý, các công ty lần lượt bán ra cổ phần đã “đầu tư chiến lược” ra và kê khai các khoản lợi nhuận ảo khổng lồ. Với cùng một đồng tiền, qua vòng quay chứng khoán, nó được nhân lên hàng chục lần. Ai cũng đếm đống giấy chứng nhận cổ phần trong tay với tiền triệu.
Câu chuyện này tương tự như có hai anh nông dân, một anh gánh khoai, một anh gánh ngô ra chợ. Đến nơi, chợ vắng chỉ có hai người. Anh bán khoai có một đồng tiền, đến trưa, buồn miệng mua đồng ngô ăn chơi. Rồi đến anh bán ngô mua lại một đồng khoai ăn cho đỡ đói lòng. Đến chiều, cả hai anh đã mua bán hết ngô khoai và ra về vẫn với một đồng tiền.
Lúc đầu, các Quỹ đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường Việt Nam rất dè dặt. Nhưng rồi, khi thấy các lý thuyết đầu tư bài bàn không đúng ở thị trường Việt Nam khi người người xông vào thị trường, nhiều Quỹ cũng chuyển sang phương thức đầu tư chụp giật. Cả thị trường gồm nhà đầu tư có tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân nhân đều mua tranh bán cướp.
Do lợi nhuận quá cao, do niềm tin chứng khoán tiếp tục tăng giá, do lòng tham, nhiều nhà đầu tư đã áp dụng công thức repo chứng khoán xoay vòng để lấy tiến mua tiếp chứng khoán rồi lại đem chứng khoán mới mua repo tiếp. Vòng xoay này cuốn theo hàng chục ngàn tỷ đồng của các nhà băng vào thị trường chứng khoán. Chỗi repo này sẽ trở thành gánh nặng ngàn cân đối với cả nhà đầu tư lẫn ngân hàng khi thị trường có dấu hiệu chững lại.
Thị trường chứng khoán nóng quá tác động tiêu cực đến cả nền kinh tế. Khi mà ai cũng nhìn thị trường chứng khoán như mỏ vàng lộ thiên thì không ai còn an phận tiếp tục công việc truyền thống của mình nữa. Trong thời gian ngắn, hàng trăm công ty chứng khoán được xin và cấp phép đã nói lên sự khát khao của các nhà đầu tư. Các chỉ số chứng khoán đều ở mức báo động khi nhà đầu tư mù quáng đổ tiền lên sàn.
Và cuối cùng, Chính phủ đã ra tay hòng giảm nhiệt cơn sốt chứng khoán mà báo chí gọi là ngăn chặn quả bong bóng sắp nổ. Cần phải nhìn nhận một cách tỉnh táo thị trường chứng khoán là một thực thể hết sức nhạy cảm được xây dựng trên cơ sở niềm tin. Kim tự tháp lòng tin vô cùng mong manh dễ vỡ. Các tác động đến thị trường chứng khoán mà làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư sẽ lập tức dẫn tới cuộc tháo chạy hỗn loạn mà hậu quả không thể lường được.
Tôi rất tâm đắc câu nói: một nửa cái bánh mỳ vẫn là một nửa cái bánh mỳ, nhưng một nửa niềm tin thì không còn là niềm tin nữa. Niềm tin là một thể toàn vẹn mà chỉ cần sứt một mẩu nhỏ thì toàn bộ những gì được xây dựng trên cơ sở niềm tin đều sụp đổ.
Trong vài tháng, Nhà nước đã đưa ra một loạt các biện pháp giảm nhiệt thị trường giống một thầy thuốc kế cho bệnh nhân những đơn thuộc loại đặc trị rất nặng mà không tính tới thể chất của con bệnh. Các đơn thuộc này đều tập trung vào việc giảm lượng tiền lưu thông trên thị trường, siết chặt dòng tiền chảy vào chứng khoán, siết chặt cho tín dụng đối với những thị trường liên thông với chứng khoán như bất động sản, ngoại hối.
Chúng ta quên mất một điều là con bệnh đang quen được uống nước nhiều, việc đóng vòi nước một cách cấp tập khiến cho con bệnh bị sốc phản vệ.
Nhìn vào cách điều trị bệnh của chúng ta và của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ thấy các biện pháp hoàn toàn trái ngược nhau. FED liên tục giảm lãi xuất nhằm lùa tiền ra ngoài thị trường, khuyến khích người dân đầu tư, chi tiêu thay vì gửi tiền ở ngân hàng. Lãi xuất của FED giảm đến mức thấp nhất trong vòng 4 năm gần đây.
Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ đệ trình chính sách ưu đãi thuế nhằm tăng cường tiêu dùng và bơm một lượng tiền mặt cực lớn ra để cứu thị trường. Họ ý thức rõ là nếu để xảy rất bất kỳ một ngưng trệ nào trong vòng quay của thị trường tiền tệ sẽ ảnh hưởng một cách tiêu cực đến toàn bộ các ngành sản xuất thương mại và gây ra đổ vỡ dây chuyền. Các tập đoàn tài chính Mỹ và Tây Âu đã kê khai những khoản lỗ kỷ lục nhưng với sự trợ giúp của Chính phủ, không thấy ngân hàng nào mất khả năng thanh toán và cũng chưa có ai phá sản.
Ở Việt Nam, các biện pháp cấp tập như khống chế tỷ lệ cho vay chứng khoán (28.05.2007), tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (16.01.2008), phát hành tín phiếu bắt buộc (16.02.2008), giãn tiến độ mua ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài (Q1.2008), rút tiền ngân sách của Kho Bạc Nhà nước gửi ở các ngân hàng thương mại (Q1.2008), … đã cắt hẳn nguồn cung tiền cho thị trường chứng khoán.
Hầu hết các tổ chức tín dụng phải chạy đua cật lực để đảm bảo tỷ lệ cho vay chứng khoán, chạy đua gom tiền mua tín phiếu bắt buộc, … Các ngân hàng ở vào tình trạng khan tiền hơn bao giờ hết. Mất nguồn cung tiền, quả bong bóng chứng khoán đã nổ tung.
Ngay sau tết âm lịch, chỉ trong vòng 1 tuần, các cổ phiếu chủ chốt đã mất giá trên 20% khiến các nhà đầu tư hoảng loạn. Sự hoảng loạn bao trùm lên cả nhà đầu tư có tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân. Ai cũng cố đẩy cổ phiếu của mình ra sàn và khi ai cũng muốn bán thì hẳn không ai muốn mua. Không ai kịp có phản ứng tích cực. Hàng chục ngàn tỷ đồng bộc hơi theo VnIndex.
Khi chứng khoán rớt giá cỡ 30% thì lập tức tác động mạnh đến những cổ phiếu đang được repo ở ngân hàng. Xuống dưới giới hạn cho phép, các ngân hàng buộc con nợ hoặc đắp thêm tài sản hoặc phải bán cổ phiếu. Chứng khoán cứ xuống một vài điểm thì càng có thêm nhiều cổ phiếu đang thế chấp phải bán ra. Các cổ phiếu nào trước đây có tính thanh khoản cao, giá trị cao, được thế chấp nhiều thì càng bị áp lực lớn.
Chuỗi repo đổ sụp khi các con nợ không còn giải pháp nào ngoài việc để ngân hàng cưỡng bức bán cổ phiếu. Giống như quả bóng tuyết, càng lăn thì quả bóng càng to và các ngân hàng trở thành những “nhà đầu tư bất đắc dĩ” lớn nhất.
Các ngân hàng có cho vay chứng khoán đều thiệt hại lớn vì không thể thu hồi nợ khi chứng khoán mất giá. Họ càng ép các con nợ thì áp lực xả chứng khoán lên sàn càng lớn, giá càng xuống thấp thì càng nhiều cổ phiếu xả ra. Trong sự hỗn loạn đó, chứng khoán như đồ bỏ, không còn khái niệm giá trị nội tại, PE, EPS, … Chỉ còn một áp lực là phải có tiền.
Tổn thất của ngân hàng dẫn đến ảnh hưởng nặng nề khả năng thanh toán. Các ngân hàng buộc phải huy động vốn bằng mọi giá dẫn đến cuộc đua lãi xuất huy động. Trong vòng 4 tháng, lãi xuất huy động đã tăng từ 0.7%/tháng lên 1.2%/tháng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước khống chế trần lãi xuất huy động là 12%/năm nhưng lệnh này chỉ tác động đến người gửi tiền nhỏ lẻ. Đối với các khoản tiền gửi lớn, khách hàng đều yêu cầu ngân hàng lập hợp đồng tín dụng riêng rẽ với mức lãi xuất 14% – 15%/năm.
Lãi xuất đầu vào tăng khiến các ngân hàng xiết chặt đầu ra. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có độ tín nhiệm thấp đều không còn khả năng vay được tiền từ ngân hàng. Còn các doanh nghiệp lớn nếu muốn vay thì lãi xuất lên đến 18 – 22%/năm. Trong nhiều giai đoạn, các ngân hàng chỉ đem tiền cho nhau vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi xuất tới 30%/năm.
Dòng tiền giờ đây không chảy vào sản xuất, không chảy vào đầu tư mà chỉ chảy vòng quanh các ngân hàng. Khi lãi xuất lên tới hàng chục phần trăm, không ai còn muốn đầu tư tiền vào những nơi rủi ro nhưng chứng khoán, thậm chí cùng không còn muốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Khẩu hiệu “Cash is King – Tiền là Vua” có nghĩa hơn bao giờ hết, và mọi người chỉ muốn gửi vua vào ngân hàng. Khi dòng tiền không hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhiều ngành nghề có mức sinh lời thấp sẽ ngưng trệ dẫn đến phản ứng dây chuyền tiêu cực cho nền kinh tế.
Tác động kép của thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ làm bức tranh kinh tế Việt Nam 2008 rất xấu. Nếu Chính phủ không có những biện pháp hợp lý thì hậu quả rất khó dự đoán.
Hàng ngày, nhìn trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các công ty niêm yết cứ khất lần việc công bố báo cáo tài chính Quý 1 với nhiều lý do như “bị virus máy tính”, “bận tham gia hội chợ”, “nhiều sổ sách phải tổng hợp”, … cùng hàng loạt những bản giải trình kết quả kinh doanh là có thể hiểu được phần nào sức khỏe của các công ty.
Khi siết chặt chứng khoán, nhiều người đặt ra tiền đề hy sinh chứng khoán để cứu lạm phát vì lạm phát ảnh hưởng đến cuộc sống của mấy chục triệu người còn chứng khoán chỉ có 300 ngàn tài khoản. Nhưng 300 ngàn tài khoản đấy liên quan đến gần 50% GDP là không thể xem nhẹ.
Chứng khoán, tiền tệ, bất động sản là những thị trường liên thông với nhau. Khi chứng khoán gục ngã, bất động sản đóng băng thì tiền tệ lên cơn sốt. Liệu nền kinh tế sẽ chịu đựng thế nào thì mạch máu tiền tệ cứ tiếp tục sôi?

Các quy tắc chọn tên miền hay nhất


Các quy tắc chọn tên miền hay nhất 
23/04/2012 ( 2 tháng trước)  |  Lượt xem: 197 |  Bình luận: 0
Thời điểm bạn có thể nhận được một tên miền độc quyền miễn phí từ các nhà cung cấp hosting đã qua. Hiện nay, để mua một tên miền tốt, bạn chỉ cần ghé vào một vài trang web hoạt động về lĩnh vực buôn bán tên miền (ví dụ như micronet.vn) và mua tên miền mà bạn thích (dĩ nhiên, có những tên miền bạn phải trả khoảng 10.000 đô la Mỹ để mua nó, thậm chí có nhiều tên miền còn đắt đỏ hơn thế rất nhiều). Nếu không có, bạn sẽ phải chọn tên miền từ các tên miền đã qua sử dụng. Sau đây là những gì bạn cần chú ý trong khi chọn tên miền:

1. Cấp độ tên miền 

Ưu tiên cho các tên miền cấp 2. Ví dụ trong http://www.design.com, tiền tố “www”  nghĩa là World Wide Web; “ design” là thành phần chính (xem thêm bên dưới về cách chọn); “com” chỉ khu vực tên miền đăng ký. Tên miền cấp 3 chỉ có một chút khác biệt – http://www.logo.design.com, tên miền cấp 4 sẽ nhìn giống như http://www.pixel.logo.design.com  - số lượng thành tố tăng hay giảm phụ thuộc vào cấp độ tên miền của nó. Các thành phần của tên miền là các từ liên quan đến tên miền đó và được chia ra bằng cách dấu chấm.  Tên miền càng nhiều thành tố thì giá trị của nó càng thấp. Các tên miền cấp 3 hoặc cấp cao hơn thường được phân phát miễn phí. Vì thế, khi mua một tên miền cho công ty của bạn (hoặc bản thân bạn), bạn nên chắc chắn rằng đó là tên miền cấp 2.




Chú ý khi mua bất kỳ tên miền nào, bạn phải đảm bảo đó là tên miền cấp 2 (Nguồn: Theo Internet)
2. Khu vực tên miền 

Có rất nhiều khu vực tên miền trên thế giới, mỗi một khu vực đều có ý nghĩa riêng, và điều quan trọng là bạn phải chọn ra một cái thích hợp nhất. Tên miền chia theo 2 loại: tên miền chung và các tên miền theo mã quốc gia. Tên miền chung là : “com” – đối với tên miền mang tính chất thương mại; “net” – mạng; “info” – cung cấp thông tin; “TV” – kênh truyền hình;  và còn nhiều loại khác. Tên miền theo mã quốc gia cho ta biết quyền sở hữu của tên miền đó theo quốc gia. Mỗi quốc gia đều có khu vực tên miền riêng. Ví dụ “us” là các địa chỉ từ Hoa Kỳ; “de” là nước Đức; “co.uk” thay thế cho Vương quốc Anh; “ru” là “Nga”; “fr” ám chỉ Pháp. Do đó, khu vực tên miền nào hợp lý nhất cho lựa chọn của bạn? Nếu dự án internet của bạn có giới hạn về địa lý( ví dụ cửa hàng điện tử chỉ bán ở Hoa Kỳ) – đừng lưỡng lự chọn khu vực tên miền cho khu vực của bạn. 

Nếu dự án của bạn không bị hạn chế trong một quốc gia nhất định, bạn có năm sự lựa chọn lớn sau: com/net/org/biz/info. Đây là những tên miền có giá trị và phổ biến nhất trên mạng Internet. “Com” là một trong những lựa chọn tốt nhất bởi nó là 1 tên miền quốc tế. “Net” phù hợp với các diễn đàn công nghệ thông tin và các trang liên quan đến tên miền. “Org” phù hợp cho các danh bạ web. Hầu hết các danh bạ web nổi tiếng nhất hiện nay đều có khu vực tên miền là “org” (ví dụ như: Dmoz.org; lii.org; vlib.org; botw.org.). “Biz” – sẽ là lựa chọn sáng suốt cho các cửa hàng điện tử và các dự án bán hàng trên mạng. “Info” - tốt cho các trang cá nhân cũng như blog. Tuy nhiên bạn không nên áp dụng những điều này một cách cứng nhắc – bạn có thể lựa chọn theo cách thông thường.

Có những tên miền bạn không thể mua mà không có một cơ quan có thẩm quyền: “gov” – tên miền liên quan đến các tổ chức nhà nước; “mil” – tên miền liên quan đến cơ quan quân đội; “edu” – tên miền liên quan đến giáo dục; “int” – các tổ chức quốc tế; “museum” – các bảo tàng, …

3. Tên miền cơ sở 

Tên miền cơ sở là thành phần quan trọng nhất của tên miền. Hãy chú ý đến 2 phương pháp sau để chọn cho mình một tên miền cơ sở thành công: 

a. Cơ sở lựa chọn tên miền đó là dễ nghe và dễ nhớ, không liên quan đến các hoạt động, sản phẩm cũng như dịch vụ của công ty. Những tên miền như vậy thường được gọi theo tên công ty. Ví dụ Google.com và GoDaddy.com là những tên miền ngắn, dễ nhớ và không có thuật ngữ nào đặc trưng cho hoạt động kinh doanh của công ty như: “tìm kiếm”, “máy chủ”, “tên miền”, “web”.  Chúng được định hình dựa trên tính độc quyền, ngắn gọn và khó quên.

b. Phương pháp thứ hai liên quan đến tên miền chứa các thuật ngữ liên quan đến công ty. Các thuật ngữ này được sử dụng như các từ khóa. Ví dụ http://www.design.com  có chứa một từ khóa – design. Nó được sử dụng cho mục đích quảng bá tên miền trên các bộ máy tìm kiếm. Một vài cỗ máy tìm kiếm (ví dụ như Google) đưa cả tên miền vào các kết quả tìm kiếm. Các tên miền loại này sẽ gây được ấn tượng bởi dễ dàng tìm thấy chúng trên trình duyệt mà không cần sự độc nhất. Những tên miền như vậy thường được sử dụng cho các dự án trên mạng Internet.

4. Số từ trong một tên miền 

Tên miền càng chứa nhiều từ, nó càng ít giá trị. Và ngược lại, càng ít từ thì càng nhiều giá trị (lí tưởng nhất là tên miền chỉ có 1 từ). Ví dụ http://www.design.com có một từ - design. Từ này có nghĩa rộng bởi vì nó có thể ám chỉ thiết kế phong cảnh, thiết kế nội thất, thiết kế web, thiết kế 3D và các khái niệm khác liên quan đến thiết kế. Những tên miền được đánh giá cao ví dụ như: http://www.webdesign.com do có chứa hai từ - web và design. Tuy nhiên, giá trị của tên miền này thấp hơn tên miền trước bởi vì nó nằm trong lĩnh vực hẹp hơn, http://www.customwebdesign.com lại có chứa ba từ - custom, web và design, do vậy nó ít giá trị hơn. 

5. Tính ngắn gọn và dễ nhớ 

Không nên đưa quá ba từ vào tên miền bởi vì khi đó giá trị và khả năng ghi nhớ chúng sẽ giảm theo độ dài của tên miền. Tên miền càng ngắn, giá trị của nó càng cao, Những tên miền ngắn là dễ nhớ, bạn có thể mô tả chúng qua điện thoại dễ dàng mà không cần phải chạy các chiến dịch quảng cáo nơi công cộng để mọi người có thể ghi nhớ chúng. 

6. Nói không với dấu nối và các chữ số 

Các dấu nối và các con số làm giảm đi giá trị của tên miền. Ngoại trừ trường hợp khi các con số mô tả một phần cho ý nghĩa tên miền đó, ví dụ như: “3D”, “mp3”, “fomula1”. 

7. Viết tắt hợp lí 

Đôi khi, để chèn vào một diễn đạt đa nghĩa vào một tên miền, chúng ta thường sử dụng các từ viết tắt. Tuy nhiên càng viết tắt thì càng khó diễn đạt. Ví dụ, làm sao để đưa toàn bộ cụm “full flash websites” vào một tên miền. Để làm điều này chúng ta có thể viết tắt bằng cách giữ lại những chữ cái đầu và bỏ đi phần còn lại, như vậy chúng ta còn “ffws”, tuy nhiên, nhìn vào không thể hiểu ý nghĩa của tên miền này là gì. Những tên miền loại này không được các cỗ máy tìm kiếm để ý, cho nên không nên sử dụng những tên miền kiểu như vậy mặc dù chúng khá ngắn gọn. Điều này cho thấy tên miền loại này có nhiều hạn chế nhiều hơn ích lợi. Vậy làm thế nào để rút ngắn những diễn đạt như trên một cách chính xác? Chúng ta nên định nghĩa chúng theo khái niệm/ý tưởng chính của tên miền cần diễn đạt như một từ khóa cho website đó. Trong trường hợp trên, sẽ là “full flash”, phần còn lại là “websites” là thành tố phụ, có thể viết tắt “ws”. Như vậy kết quả chúng ta có http://fullflashws.com. Tên miền này có các thuận lợi khi quảng bá trên các cỗ máy tìm kiếm khi tìm theo từ khóa “full flash”, đó là từ khóa dài hợp lý và không quá khó để nhớ.



                   Tên miền càng ngắn thì giá trị của nó càng cao (Nguồn: Theo Internet)
8. Từ đầu tiên của tên miền 

Từ đầu tiên của một tên miền không thực sự quan trọng. Tuy nhiên đó là các sắc thái có thể ảnh hưởng đến lợi ích mang lại của website đó trong tương lai. Thực tế rất nhiều các website danh bạ có sự lựa chọn để sắp xếp các website theo thứ tự bảng chữ cái, và đôi khi website danh bạ khác lại không quan trọng chuyện này. Vì vậy, các website có tên miền bắt đầu bằng các chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái thì thường được ghé thăm nhiều hơn các website còn lại trong danh bạ. Đây là một điều cần cân nhắc nếu bạn có ý định đầu tư vào một tên miền ngắn gọn và đẹp. 

Cuối cùng, nếu bạn muốn mua một tên miền đã qua sử dụng, và đã được rao bán trên mạng Internet vài lần, bạn nên chú ý: 
- Tuổi đời của tên miền
-  Lịch sử tên miền, lĩnh vực hoạt động của tên miền trước đây
- Đảm bảo rằng tên miền này không bị dính vào các hình phạt trên các cỗ máy tìm kiếm, cũng như các thư điện tử của nó không phải là các thư rác.
- Đảm bảo rằng các cá nhân, tổ chức khác không tranh chấp tên miền này
- Các thống kê về Alexa và thứ hạng PR của tên miền này.

(Nguồn: http://ezinearticles.com).

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Doanh nghiệp Việt có tầm nhìn ngắn và hay thỏa hiệp


Cách đây khá lâu khi còn ngồi ghế nhà trường, trong một cuộc tọa đàm giao lưu với những lãnh đạo tiêu biểu, tôi có hỏi một lãnh đạo người Mỹ của một tập đoàn bán lẻ hàng đầu ờ nước này: "Ông có thể giải thích vì sao trong đội ngũ lãnh đạo tập đoàn của ông không có ai là người châu Á không?”.
Câu hỏi “nhạy cảm” của tôi nhận được một câu trả lời không thể thẳng thắn hơn: "Chào bạn, có hai yếu tố tạo xung đột tính cách và văn hóa làm tôi khó hợp tác với những người đến từ thị trường mới nổi: thứ nhất, tầm nhìn ngắn hạn (short-term oriented), thứ hai - thỏa hiệp với số đông (groupthink)”.
Ông ta đã giải thích nhiều lần rằng đó là cảm nhận cá nhân, và hoàn toàn không có chút ý niệm nào về kỳ thị hay phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, câu trả lời làm tôi cảm thấy bị đả kích, xúc phạm và tổn thương tinh thần dân tộc mạnh mẽ… tôi hậm hực và cảm thấy “phán xét” của người này là không công bằng.
Thế nhưng, trớ trêu thay, qua hơn chục năm nay quan sát và trải nghiệm những sóng gió trên thương trường, mỗi ngày tôi càng hiểu ra “thâm ý” của câu nói trên. Nó càng làm tôi thấm thía đến tận xương tủy, ám ảnh và thầm cảm ơn vì ông là một "bác sỹ" chẩn đoán tài ba cho những căn bệnh phổ biến nhất của những người quanh tôi.
1. Bệnh thứ nhất: tầm nhìn ngắn hạn
Tôi còn nhớ ở Sài Gòn một thời rộ lên phong trào mở nhà sách, quán bida, rồi karaoke, đến gần đây là yến sào v.v… cứ đi vài bước là thấy một cửa hàng. Nhưng một khi ồ ạt mở ra thì sẽ bão hòa và rất nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì thua lỗ.
Không phải chỉ thành thị, ở nông thôn cũng thế, năm nay cà phê thắng thì đua nhau trồng cà phê, năm sau tiêu-điều lên thì đốn cà phê mà trồng tiêu-điều. Dạo gần đây cao su “lên hương” thì đi đâu cũng thấy trồng cao su, rồi đến phong trào đào ao nuôi cá nuôi tôm v.v… hệ quả là nông dân mất mùa khóc, được mùa cũng khóc (vì bị thương lái ép giá).
Cái tính “thấy người ta ăn nhộng bốc dòi mà ăn” chả phải chỉ ở những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ngay cả các tập đoàn lớn hùng mạnh. Các doanh nhân dày dạn kinh nghiệm và được đào tạo bài bản cũng không ngoại lệ. Ngành nào “ăn” là đâm bổ vào, họ chỉ mong “thu hoạch” ngay trong vòng 1-2 năm mà quên đi những rủi ro và các giá trị dài hạn như thương hiệu, uy tín, niềm tin của khách hàng.
Cứ như thế từ trào lưu mở ngân hàng, đến công ty chứng khoán, sàn vàng, rồi bất động sản… hệ lụy của căn bệnh này ai cũng thấy ngày hôm nay, ngày càng trầm trọng!
Ngắn hạn về tầm nhìn không chỉ là cái “bệnh” của dân làm ăn, rất nhiều người được dán cái mác “lo xa” suốt đời ki cóp dành dụm để “về già có của giắt lưng”.
Đây không phải là tầm nhìn xa trông rộng, mà thực chất là sự thiển cận, vì họ nhìn tương lai không qua được cái mái nhà mình. Tiền để một chỗ thì làm sao sinh ra tiền? Và ai bảo tiền để một chỗ thì không rủi ro?
Tầm nhìn ngắn hạn cũng chính là nguyên nhân sâu xa của những tệ nạn tham nhũng, quan liêu vì mỗi anh chỉ có nhiệm kỳ vài năm, phải làm sao cho “lại vốn” nhanh trong nhiệm kỳ mới được! Căn bệnh này, có lẽ còn ở tầm cao hơn khi chúng ta liên tục khai thác đến cạn kiệt các tài nguyên thô, không qua chế biến và bán ra nước ngoài.
Một khảo sát của một hãng nghiên cứu thị trường nước ngoài cho thấy, trên 98% doanh nghiệp Việt Nam không đầu tư vào khâu nghiên cứu và phát triển (R&D), đây cũng là minh chứng hùng hồn cho căn bệnh “ăn xổi ở thì” của doanh nghiệp Việt.
2. Bệnh thứ hai: thỏa hiệp với đám đông
Từ nhỏ học trong trường chúng ta phải mặc đồng phục, tóc tai đồng nhất, làm toán phải đúng công thức và cách trình bày của thầy, làm văn phải theo dàn ý và bài mẫu, đã quen với kiểu thầy cố “mớm chữ” cho mà nhai.
Cái “nếp” từ bé khiến những người có suy nghĩ xuất chúng, khác biệt thường tự động bị đào thải khỏi guồng máy xã hội. Chữ “cá biệt” ở nước ta luôn được hiểu theo nghĩa tiêu cực (??!!). Có thể nhìn lại động lực phát triển khoa học- kinh tế- xã hội trong lịch sử trước nay đều xuất phát từ những con người “cá biệt” sao?
Steve Jobs từng nói: “Tất cả các thiên tài đều là những thằng ngốc, cho đến khi họ tự chứng minh là mình đúng”.
Thỏa hiệp với đám đông là nguồn cội của việc “chọn việc dễ mà làm” (với lý lẽ “vì xung quanh ta họ đều làm vậy”). Dẫn đến việc lựa chọn những mô hình sản xuất kinh doanh dễ kiếm tiền (nhanh) nhất, hệ quả là mất cân đối về cơ cấu kinh tế, tập trung quá nhiều vào các ngành sản xuất cơ bản như sắt thép-xi măng-khoáng sản v.v…
Để rồi hoàn toàn không chú trọng các ngành công nghiệp dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Những ngành “dễ làm” như kể trên có tỷ suất sinh lợi trên doanh thu thấp do đó chỉ cần một cái “hắt hơi sổ mũi” của kinh tế vĩ mô là bên bờ vực phá sản ngay.
Sự thỏa hiệp với đám đông không những cản trở sự bứt phá để phát triển, còn nguy hiểm hơn khi nó bào mòn các chuẩn mực về đạo đức xã hội.
Ở trong một cộng đồng mà ai cũng vượt đèn đỏ thì việc vượt đèn đỏ trở thành “bình thường”. Trong một lớp học ai cũng ném phao, quay cóp thì một học sinh sẽ cảm thấy gian lận là “không có gì nghiêm trọng”. Trong một cơ quan mà ai cũng tham nhũng thì người không tham nhũng tiêu cực sẽ là kẻ phải ra đi.
Tôi hiểu chúng ta cũng có rất nhiều doanh nhân xuất chúng với tầm nhìn dài hạn, đầy bản lĩnh và giữ gìn chuẩn mực đạo đức kinh doanh.Ở đây tôi chi muốn nói đến số đông, vì số đông tạo nên dòng chảy.
Đỗ Chí Hiếu

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Những chiêu đòi nợ thời gian khó


Những chiêu thức đòi nợ thời gian khó

Trong nhiều trường hợp đòi nợ gần đây, thay vì lựa chọn giải pháp đưa ra Tòa án, DN dùng nhiều chiêu thức để gây sức ép khiến phía bên kia.
Kiện ra tòa, chờ mỏi cổ
Luật sư Trương Đình Tùng, cố vấn pháp lý cho một tập đoàn lớn trong một vụ tranh chấp, đã từng khẳng định sẽ không đưa vụ việc nói trên ra Tòa án mà tìm cách khác để đòi được quyền lợi tài chính cho thân chủ. Nguyên nhân mà luật sư Tùng đưa ra là việc khởi kiện ra Tòa kinh tế mất quá nhiều thời gian.
Theo quy định tại Điều 179, Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn chuẩn bị xét xử các tranh chấp về kinh doanh, thương mại là 2 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá một tháng. Như vậy, kể cả thời gian gia hạn thì thời hạn chuẩn bị xét xử các tranh chấp kinh doanh, thương mại tối đa là 3 tháng. Trong 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 2 tháng. Với quy định trên, trong trường hợp vụ án được đưa ra xét xử thì thời hạn giải quyết các tranh chấp về kinh doanh, thương mại tối đa là 5 tháng.
Tuy nhiên, trên thực tế, các vụ kiện kinh doanh, thương mại không dễ dàng được giải quyết trong thời hạn nêu trên. Đơn cử, vụ CTCP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình kiện CTCP Đầu tư Bất động sản Hapulico, đơn khởi kiện được nộp ra Tòa từ tháng 8/2009. Đến nay, đã sang năm thứ 4 và đã có 4 bản án, song vụ kiện vẫn chưa được giải quyết. Tương tự như vậy, sau 5 năm khởi kiện ra Toà, qua nhiều lần xét xử, thương lượng hòa giải, đến nay, Vietinbank vẫn chưa thu hồi được khoản vay 15 tỷ đồng từ năm 2002 của Công ty TNHH Bắc Sơn.
Vụ kiện của CTCP Ba Đình và Hapulico qua 4 năm, 4 bản án vẫn chưa đi đến hồi kết
"Có tới 95% vụ kiện dân sự bị kháng cáo và đưa lên cấp phúc thẩm. Hành trình để một bản án có hiệu lực nhiều khi kéo dài tới 5 - 7 năm, chưa kể chờ đợi thi hành án. Bởi vậy, trong một số trường hợp, nếu nhận định việc khởi kiện ra tòa không đạt hiệu quả như mong muốn, đương sự nên tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật khác", luật sư Tùng nói.
Nhiều chiêu đòi nợ hiệu quả
Vụ tranh chấp bảo lãnh giữa một ngân hàng và một DN mới đây diễn ra như sau: DN này đã bán cổ phần cho một cá nhân và được ngân hàng cấp chứng thư bảo lãnh không hủy ngang khoản tiền khoảng 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi cá nhân không thanh toán tiền mua cổ phần, DN đã yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ thanh toán bảo lãnh, song ngân hàng từ chối. Nhiều lần DN này gửi công văn song ngân hàng không trả lời, có lần DN này đã tới họp theo đề nghị của phía ngân hàng nhưng khi đến nơi, lại không có ai xuất hiện.
Sau nhiều lần bày tỏ thiện chí thương lượng không được, DN này đã rao bán khoản nợ của ngân hàng này trên một tờ báo lớn. Ngay sau khi thông báo bán nợ được tung ra, tranh chấp giữa 2 bên được đẩy lên đỉnh điểm, hai bên phát công văn đi khắp nơi, tổ chức họp báo, đưa ra thông tin bảo vệ bản thân và công kích phía bên kia. Cuối cùng, "giải pháp kỹ thuật" của DN nói trên đã đạt được hiệu quả khi phía ngân hàng chấp nhận thanh toán, khoản tiền đầu tiên đã chảy về tài khoản của DN.
Một trường hợp khác, ngân hàng đã phát hành bảo lãnh thanh toán cho một thương vụ giữa 2 công ty là CTCP Thép hình Miền Bắc và CTCP Đầu tư Văn Phú Building. Sau khi bên mua không thanh toán, Công ty Thép hình đã yêu cầu phía ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nhưng ngân hàng không thực hiện. Phía Công ty Thép hình đã có công văn gửi Ban giám đốc nêu rõ căn cứ pháp lý và yêu cầu giải quyết. Khi không có phản hồi, công ty này lại tiếp tục gửi công văn tới Ban Kiểm soát, HĐQT của ngân hàng, yêu cầu kiểm tra hoạt động của Ban điều hành và giải quyết vụ việc, nếu không sẽ kiến nghị Hiệp hội Ngân hàng, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức khác nhờ can thiệp. Đến lúc này, phía ngân hàng đã chấp nhận trả tiền và đến nay, sau 7 tháng kể từ ngày phát đơn yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên mua đã nhận được toàn bộ số tiền.
Theo một thẩm phán của TAND TP. Hà Nội, không ít trường hợp khi không đòi được nợ, chủ nợ đã chọn cách nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với con nợ. Nếu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được nộp đến tòa án, các đối tác khác có thể sẽ thu hồi nợ trước hạn do lo ngại DN phá sản và ngừng quan hệ kinh doanh. Lúc này, khi đối mặt nguy cơ bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, DN con nợ có thể sẽ chấp nhận thương lượng, hòa giải. Theo Luật sư Trần Minh Hải, Luật Phá sản quy định, khi DN không có khả năng thanh toán nợ đến hạn khi chủ nợ yêu cầu thì chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Đây là quyền đã được luật pháp quy định và DN hoàn toàn có quyền vận dụng để bảo vệ quyền lợi của bản thân.
Luật sư Hải cũng cho rằng, các chủ nợ chỉ nên áp dụng giải pháp khởi kiện khi mọi giải pháp khác không thu được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, Luật sư Hải cảnh báo, các đương sự nên cẩn thận khi áp dụng các giải pháp "mềm" trong giải quyết tranh chấp kinh tế, phải đảm bảo hành vi của bản thân trong giới hạn luật pháp và đạo đức cho phép, tránh trở thành thủ đoạn.
Còn theo Luật sư Trương Đình Tùng, khi có tranh chấp, cần phải xem xét gốc rễ phát sinh tranh chấp, vì sao đối tác không tiếp tục thực hiện đến cùng cam kết, vi phạm đó thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự hay hình sự? Nếu là tranh chấp dân sự, có thể lựa chọn giải pháp thương lượng hoặc khởi kiện ra Tòa án, nếu là hình sự, vẫn có thể thương lượng, tất nhiên sự nhượng bộ sẽ khác, hoặc đưa ra cơ quan công an. Trong rất nhiều biện pháp giải quyết tranh chấp, các bên nên cân nhắc biện pháp thương lượng, hòa giải, bởi việc khởi kiện ra tòa án dân sự hay tố giác tội phạm đều tốn những phi phí nhất định.
(Theo ĐTCK)