Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Suy ngẫm

Một bài viết sẽ free, có thể sẽ dàn trải, nhưng sẽ viết nên những suy nghĩ của mình trong ngày hôm nay
Mai là tròn một năm, mình vào chi nhánh làm việc. Thực ra tính mới chỉ 10 tháng thôi, vì 2 tháng thực tập có làm gì đâu.
Có những thứ thay đổi. Có những thứ vẫn như vậy.
Mọi vật đều thay đổi từng ngày, vì vậy những thứ ít, không thay đổi sẽ ít thôi. Mình sẽ nói cái không thay đổi trước.
Thứ không thay đổi thứ nhất: Đó là không khí làm việc. Chẳng khác gì so với lúc mình vào. Cũng chẳng thân thiện hơn, không khuyến khích tinh thần làm việc. Mỗi người một hướng, nhưng có lẽ đi làm là nó thế, chứ không phải riêng cái chỗ mình làm. Vì vậy, mình cũng ko đặt nhiều kỳ vọng rằng nó sẽ thay đổi theo ý mình. Thích nghi thôi.
Thứ không thay đổi thứ hai:  Bản chất tốt, hiền lành của mình. Nhưng, nó đang bị lung lay dữ dội.
Thứ thay đổi nhiều nhất đó là cách nhìn nhận của mình về cuộc sống này. Tuy cảm giác cuộc sống không bon chen, không cạnh tranh lắm, mức sống không phải ngột ngạt, nhưng mình đang cảm thấy, sờ thấy, nhận thấy cái người ta gọi là "cuộc đời"
Tại cuộc đời này, nó không giống trường học, khi mà đẳng cấp mọi người là khác nhau, địa vị mỗi người là khác nhau. Nó liên quan đến tiền nhiều hơn. Và tất cả mọi thứ đều là lợi ích. Trong cái ngân hàng, nơi mà liên quan tới rất nhiều tiền, nó là sự an toàn của bản thân nữa...
Một năm, thời gian không dài, dẫu biết rằng hiểu được một con người là rất khó. Ngay như mình cũng nhiều lần ước ao, giá mà họ nhìn mình trên phương diện khác, họ sẽ thấy cái khác...tuy nhiên, đó là một suy nghĩ ngu xuẩn. Mình không phải trung tâm vũ trụ.
Nhưng sau một năm làm, mình cũng lờ mờ, gây dựng lên những hình bóng của những con người, đặc điểm tính cách của từng người, từ đồng nghiệp tới khách hàng. Quan sát, đó là cách mà con người buộc phải học để tồn tại.
Đã bắt đầu biết nếm những trái đắng do đồng nghiệp, khách hàng mang lại. Nhiều lúc mình quá ngây thơ, tin tưởng vào người khác, dễ bộc lộ cảm xúc, muốn thân quen với nhiều người. Nhưng ở cái xã hội, tất cả đều xù lông lên để bảo vệ mình, thì những thằng như mình sẽ rất bị đâm những phát rất đau vì những cái gai nhím đó.
Thất tín đó là điều mình rất ghét. khách hàng thất tín, sẽ dẫn đến mình thất tín với người khác. Điều mà mình vô cùng ghét, bản thân, ý thức trách nhiệm của mình không cho phép mình thất tín. Trong mọi trường hợp, mình ghét thất hứa.
Một lần bất tín, vạn lần bất tin.
Tôi sẽ nhớ tất cả những gì khách hàng, đồng nghiệp mang lại cho tôi. các bạn đã dạy cho tôi những bài học về cuộc đời, cảm ơn các bạn. Tuy giận, nhưng tôi sẽ đứng lên, sẽ mạnh mẽ hơn mỗi lần đứng dậy, sẽ cứng rắn hơn với các bạn. Và một ngày, tôi sẽ dạy lại các bạn bài học về việc coi thường niềm tin người khác dành cho các bạn. Bởi vì niềm tin chỉ trao một lần, khi đánh mất thì không bao giờ lấy lại nữa.
Và các bạn coi thường Ngân hàng, coi thường tôi, coi thường người cho các bạn vay tiền với lòng mong mỏi các bạn làm ăn tốt, phát triển. Và tôi dám cá với các bạn rằng, đó là một điều sai lầm.
Tôi sẽ cứng rắn, mạnh mẽ hơn. Buồn một chút thôi, tôi sẽ đứng lên...
Cảm ơn các bạn...

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Mình chưa đọc về HC, nhưng mình ủng hộ anh này. Lập luận sắc sảo và cương nghị, có bản lĩnh

Huyền Chip đã thể hiện một thái độ hết sức vô lễ, thiếu văn hóa và quan trọng hơn cả là thách thức dư luận. Tôi muốn làm việc này để cho Huyền hiểu được mà trưởng thành hơn", anh Trần Ngọc Thịnh cho biết.

Thời gian gần đây, dư luận đang ồn ào với nghi án cuốn nhật ký kể lại chuyến đi vòng quanh thế giới qua 25 nước của Huyền Chip có sự mập mờ về sự thật.

Ngày 26/9, độc giả Trần Ngọc Thịnh - một chuyên gia tư vấn độc lập cho các dự án phát triển tại Việt Nam - đã gửi kiến nghị tới Cục Xuất bản về việc xem xét tạm đình chỉ phát hành để thẩm định lại nội dung và tư tưởng của cuốn sách hai tập mang tên “Xách ba lô lên và đi” của Huyền Chip.

Chúng tôi đã liên lạc với anh Trần Ngọc Thịnh để tìm hiểu rõ hơn về lý do gửi đơn kiến nghị cũng như quan điểm cá nhân của anh về sự việc liên quan đến nữ tác giả Huyền Chip.

Người kiến nghị dừng phát hành sách của Huyền Chip: "Tôi muốn lật tẩy sự dối trá" 1
Anh Trần Ngọc Thịnh.

Thời gian gần đây, câu chuyện về chuyến đi 25 nước của Huyền Chip đã ít nhiều nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, người đồng tình, người phản đối. Trong khi nhiều người chỉ lựa chọn cách "tọa sơn quan hổ đấu" thì anh lại ra mặt, công khai đưa ra quan điểm mà theo anh là để "lật tẩy sự dối trá" của Huyền Chip. Vì sao vậy?

Vì tôi cho rằng trong đấu tranh để giành lấy công lý và sự thật, không có gì phải sợ hãi, không có gì phải ẩn danh. Tranh luận công khai là biểu hiện của một xã hội văn minh. Đây cũng là một yếu tố đảm bảo văn hóa tranh luận mà tôi đã nói tới trong bài viết của tôi về văn hóa tranh luận của người Việt thông qua sự kiện sách của Huyền Chip. Trong tranh luận, nếu bạn không chính danh, rất dễ bị quy chụp là "anh hùng bàn phím". Việc tôi làm tôi không thấy có gì sai trái mà phải ẩn danh cả.

Anh đã chính thức gửi đơn lên Cục Xuất bản, kiến nghị "tạm đình chỉ phát hành cuốn sách này để thẩm định lại, nhằm đưa ra quyết định xử lý nghiêm minh". Hành động này cùng với một số bài viết trước đây của mình khiến nhiều người tự hỏi không biết anh có hằn học hay thù oán cá nhân gì với cô gái 23 tuổi này không?


Tôi đã trả lời nghi vấn này trên Facebook Page của mình. Tôi xin nói lại là tôi mới biết bạn Huyền Chip từ sau buổi họp báo hôm 19/9/2013 ở Hà Nội nên không có gì là ân oán quá khứ để mà trả thù. Tôi và nhiều độc giả đã rất bao dung khi cho em cơ hội giải thích và trình bày tại 2 buổi họp báo, nhưng bạn Huyền Chip đã thể hiện một thái độ hết sức vô lễ, thiếu văn hóa và quan trọng hơn cả là thách thức dư luận. Việc bạn ấy cố tình thách thức dư luận là điều khiến tôi cảm thấy bất bình nhất. Tôi muốn làm việc này để cho Huyền hiểu được mà trưởng thành hơn.

"Đi 25 nước với 700 đô trong tay", Huyền Chip đã trở thành một hình tượng của giới trẻ về việc dám nghĩ, dám làm. Anh công khai phản ứng như vậy có sợ người hâm mộ của cô ấy ném đá? 

Tôi nghĩ có 2 cụm từ khi nói về Huyền Chip làm những người hâm mộ bạn ấy bị mê muội.

Cụm từ thứ nhất là "truyền cảm hứng". Mọi người cứ thấy truyền cảm hứng là cổ vũ, nhưng sao không hỏi là truyền cảm hứng cái gì? Tôi không phản đối việc đi du lịch khám phá, nhưng hãy nhìn lại đất nước mình. Đất nước còn nghèo, mà chỉ lo hưởng thụ, với đi du lịch, các bạn trẻ không lo học hành, chi lo ăn chơi thì làm sao đất nước khá lên. ​​Nhìn sang các nước giàu có, họ học tập và làm việc chăm chỉ để rồi lúc đó mới đi du lịch, hưởng thụ khám phá thế giới. Đất nước họ giàu có, Tây ba lô với khoản trợ cấp thất nghiệp còn thừa tiền để sống thoải mái ở Việt Nam, còn chúng ta thì sao, chưa lo làm giàu đã lo hưởng thụ. Tôi thấy Huyền Chip đi du lịch khi không có tiền, phải sang đó làm việc chui lủi, rồi phạm pháp chỉ để thỏa mãn cái sự tò mò, thích trải nghiệm của tuổi trẻ thì việc "truyền cảm hứng" đó cần phải soi xét lại.

Cụm từ thứ hai là "dám nghĩ, dám làm". Giống như cụm từ trên mọi người cứ thấy ai "dám nghĩ, dám làm" là thần tượng. Không thấy ai trong số đó tự hỏi dám nghĩ cái gì? dám làm cái gì?  Huyền Chip thừa nhận vượt biên trái phép, rồi cư trú bất hợp pháp ở Malawi, rồi làm việc với visa du lịch không có working permit như thế, toàn là việc phạm pháp nghiêm trọng như thế. Từ khi nào một thanh niên phạm pháp trở thành hình mẫu thanh niên vì dám nghĩ dám làm? Dám nghĩ, dám làm thì nó cũng phải là nghĩ cái gì và làm cái gì chứ? Nếu Huyền Chip dám nghĩ chuyện có ích, dám làm việc có ích cho xã hội thì đáng khen. Đây là dám nghĩ tới việc trốn vé, làm giả giấy tờ, vượt biên để tiết kiệm tiền, để trải nghiệm và dám làm nó bất chấp hậu quả nghiêm trọng thế nào thì có gì để độc giả ngưỡng mộ.

Trong một số bài viết của mình, anh muốn Huyền Chip nhận mình đã không thành thật trong một số đoạn của cuốn sách. Nhưng nhiều người cho rằng, nếu yêu cầu sách phải đúng thực tế 100% là quá cực đoan. Anh nghĩ sao về điều này?

Không, nếu tác giả ghi ngay từ đầu đây là cuốn tiểu thuyết hay có yếu tố hư cấu thì không ai đòi hỏi phải thật. Nhưng tác giả mô tả nó là nhật ký hành trình thì tính chân thực phải đặt lên hàng đầu. Trong sách có nhiều tình tiết rất phi lý. Ví dụ, Huyền Chip bị xe máy chạy 100km/h (làm sao bạn ấy chắc tốc độ xe máy chạy thế) đâm vào gãy ống đồng mà 3 tuần sau có thể chạy nhảy, leo núi thì sự thật là 0% chứ không được nổi 1%. Hoặc là không có trình độ, mới tốt nghiệp cấp 3, sử dụng visa du lịch ngắn ngày, không có kinh nghiệm làm việc, không biết tiếng bản địa mà có thể xin được việc 150USD/tuần ở một nước châu Phi nghèo hơn Việt Nam rất nhiều, với tỷ lệ thất nghiệp đang lên tới 50% thì khó mà tin được. ​​
Người kiến nghị dừng phát hành sách của Huyền Chip: "Tôi muốn lật tẩy sự dối trá" 2
Mạng xã hội đã mang lại cho con người rất nhiều lợi ích, nhưng đi kèm với lợi ích cũng có không ít tác hại. Nhiều người nghĩ rằng anh đang dùng sức ảnh hưởng của mạng xã hội và kinh nghiệm của mình để chèn ép một cô gái trẻ. Anh nghĩ sao? 

Tôi không chèn ép ai cả, cái tôi làm là để tìm sự thật không chỉ riêng tôi mà rất nhiều độc giả mong đợi. Nếu Huyền Chip không ngoan cố, không thách thức thì sẽ chẳng có việc này. Đây là việc vạn bất đắc dĩ. Và cũng xin nói lại cho rõ, đây là một kiến nghị để mời cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vì tranh luận không thể kết thúc khi Huyền Chip liên tục từ chối. Đây không phải là kiện tụng mà có thể coi là chèn ép. Còn về mạng xã hội, tôi muốn dùng mạng xã hội để có thể truyền đạt thông điệp của mình với mọi người. Quyền lựa chọn là của các bạn, tôi chỉ cảnh báo và đưa ra các lựa chọn mà thôi.​​

Vậy còn những ý kiến cho rằng tìm cách kiến nghị để đánh bóng tên tuổi?

Đây là một nhận xét có tính quy chụp, phán xét mà tôi cho rằng nếu họ không đưa ra dẫn chứng gì cụ thể thì tôi không có việc gì phải đi thanh minh với những người này.

Có thể nhận thấy anh là một trong những người đã theo dõi sự việc này ngay từ đầu, mỗi cuộc họp báo hay ý kiến của Huyền Chip đều được anh lưu lại, đồng thời đưa ra quan điểm cá nhân. Nhưng có vẻ như chính sự quan tâm đó của anh đã khiến nhiều người cho rằng anh hẹp hòi, chấp nhặt, thậm chí "đã làm được bằng cô gái đó chưa mà công kích cô ta". Anh nghĩ sao về những lời nhận xét này? 

Đây là những lỗi ngụy biện hết sức phổ biến mà những ai ​​bênh vực huyền Chip thường xuyên vào Facebook Page của tôi để tham gia tranh luận. Thứ nhất, nếu coi Huyền Chip là một đầu bếp, thì cuốn sách của cô ta là một món ăn. Độc giả là thực khách sẽ là người nói xem món ăn đó ngon hay dở. Do vậy, để nhận xét một món ăn, chả lẽ thực khách phải trở thành đầu bếp?

Như đã nói ở trên, tôi chỉ bắt đầu biết và quan tâm tới Huyền Chip từ vụ họp báo, trước cái status không chủ ngữ và đầy tính hăm dọa, tôi đã đi dự họp báo xem tác giả công bố sự thật như thế nào. Và từ đó tôi mới theo dõi vụ này đến giờ, trước đó tôi không quan tâm tới Huyền Chip và sách của bạn ấy. Còn việc cho rằng đi tìm sự thật, đi tìm chân lý, đưa ra những bằng chứng cụ thể, xác thực là hẹp hòi, là ích kỷ thì đó là một sự ngụy biện theo kiểu công kích cá nhân nhằm bao che cho sự đuối lý.

Một số ý kiến cho rằng, không chỉ công kích Huyền Chip, anh còn có những lời quá thẳng thắn và có phần hơi quá khi nhận xét về 2 vị khách mời trong buổi họp báo tại Hà Nội của Huyền Chip và nhận được những phản ứng không hay từ cộng đồng mạng. Anh có thể giải thích việc này không? 

Tôi đã đọc lại những gì mình viết và tôi thấy không có gì gọi là quá quắt. Hai vị khách mời đáng kính trọng đã làm nhiều người thất vọng tràn trề sau buổi họp báo, với tư cách là người bình luận, tôi đã thẳng thắn phê phán quan điểm của 2 người này bằng lập luận chắc chắn. Dẫu sao thì không thể tránh khỏi cảm xúc cá nhân xen lẫn vào câu chữ. ​​

Anh sẽ còn theo vụ Huyền Chip đến bao giờ? Nếu Cục xuất bản không đình chỉ việc phát hành cuốn sách, anh sẽ làm gì tiếp theo? 


Nhà báo Minh Trí bên báo Công an Nhân dân là nhà báo đầu tiên đặt ra nghi vấn về cuốn sách này. Tôi hy vọng tôi là người cuối cùng phải làm việc đó. Tôi tin là với những bằng chứng và lý lẽ đã trình bày trong thư kiến nghị, Cục xuất bản sẽ đứng về phía tôi và đông đảo độc giả chờ mong sự thật. ​​

Anh khẳng định rằng anh "theo đến cùng" vụ Huyền Chip không vì bất cứ mục đích cá nhân nào?

Mục đích là để tìm lại sự thật. Tôi muốn xem tình hình diễn biến thế nào, ngay bây giờ không thể nói trước được điều gì.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Quyết tâm học giỏi tiếng Anh để có thu nhập cao

Sinh ra và lớn lên tại một làng quê ở ngoại thành Hà Nội, ngay từ nhỏ tôi đã ý thức được rằng mình phải đỗ đại học để sau này có một công việc tốt, có thu nhập cao. Với ý nghĩ đó tôi luôn cố gắng trong học tập và không phụ công những năm tháng đèn sách. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 tôi đỗ vào một trường đại học khối kinh tế. 

Bốn năm đèn sách miệt mài cứ tưởng rằng với tấm bằng loại giỏi tôi sẽ dễ dàng tìm được một công việc tốt nơi Hà thành, nhưng thực tế diễn ra không như những gì tôi vẫn nghĩ. Cầm tấm bằng cử nhân trong tay tôi chạy đôn chạy đáo khắp nơi nhưng đều chỉ dừng lại ở khâu phỏng vấn sơ loại. Lý do chính dẫn đến thất bại ê chề của tôi đó là thiếu kinh nghiệm làm việc, vốn ngoại ngữ còn nhiều hạn chế, đặc biệt là khả năng nghe và nói.
Tự nhận thấy mình chưa đủ khả năng để đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các công ty lớn, các công ty liên doanh với nước ngoài, tôi đành xin vào làm việc cho một công ty tư nhân với mức lương chưa đầy 3 triệu đồng/tháng, và thầm lập kế hoạch tự học tiếng Anh để sau khoảng 1-2 năm sẽ đi tìm một công ty nước ngoài với thu nhập cao hơn. Vì với thu nhập hiện tại thì khéo chi tiêu lắm tôi mới đủ sống tại thủ đô này mà thôi.
Muốn vậy tôi phải thành thạo cả 4 kỹ năng ngoại ngữ nghe, nói, đọc, viết; cái mà ở trường ít khi được tiếp xúc vì thời gian trên lớp có hạn, thời gian nghe băng lại không có. Kế hoạch bắt đầu là mỗi ngày tôi phải học thuộc 10 từ mới, học lại 10 từ đã học của ngày hôm trước và một cấu trúc câu ngữ pháp. Bên cạnh đó ngoài thời gian đi làm về tôi còn thức khuya để học kỹ năng nghe qua các video trên mạng. Tôi chăm chú nghe và đọc theo, cố gắng phát âm chuẩn theo họ.
Cứ thế buổi tối thì tôi viết 10 từ mới ra một tờ giấy nhớ nhỏ và bỏ vào túi, trong suốt buổi làm ngày hôm đó lúc nào rảnh một tý, lúc nghỉ trưa là tôi lại lấy ra ngó và ghi nhớ, đồng thời ôn lại 10 từ của ngày hôm trước nữa. Một mẫu câu mới và ôn lại một mẫu câu cũ xong lại bỏ túi, khi nào quên lại lấy ra xem. Tối đến về nhà tôi lại tìm nghe các video, nghe và đọc theo, hôm nào cũng vậy, chẳng hôm nào là tôi ngủ trước 12h đêm. Ngày hôm sau vẫn phải dậy trước 6h sáng để sắp xếp mọi thứ, sinh hoạt, ăn sáng và đi làm.
Có những ngày làm việc mệt mỏi, tối đó tôi cảm thấy ể oải, căng thẳng, rồi cơn buồn ngủ đến nhưng lại nghĩ mức thu nhập chẳng được bao nhiêu, vừa mới lĩnh lương xong, cầm đồng lương trên tay mà bao nhiêu thứ phải chi tiêu nào tiền nhà trọ, điện nước đã ngốn của tôi gần cả triệu bạc rồi, lại còn ăn uống đi lại nữa. Đấy là tôi còn không hay la cà quán xá, cafe, vậy mà cuối tháng đều hết tiền trước.

Không lẽ giờ đi làm rồi lại về ngửa tay xin thêm tiền gia đình nữa hay sao? Mà gia đình ở quê mấy năm nuôi mình ăn học đã đủ mệt rồi, giờ còn xin thêm nữa thì làm sao tôi dám xin. Nghĩ đến đó, đến những ngày khốn khó ở quê nhà với sào ruộng, tôi lại quyết tâm đứng lên. Tôi đi rửa mặt mũi, chân tay và làm một số động tác cho cơn mệt mỏi, buồn ngủ qua đi để rồi mình lại ngồi vào bàn học tiếp, tiếp tục kế hoạch chinh phục vị trí trong công ty nước ngoài.
Mặt khác trong quá trình làm tôi không ngừng trau dồi các kỹ năng về sử dụng máy vi tính, kỹ năng soạn thảo, tìm kiếm kiến thức trên mạng, hay sử dụng phần mềm để phục vụ chính cho công việc mà mình đang làm. Tôi ghi nhớ chắt chiu tất cả những gì đã xảy đến với tôi, từ những thành công nhỏ, hay những sai lầm để bị chủ mắng trong công việc hiện tại, rồi từ đó rút ra cho mình những bài học quý báu về kỹ năng giao tiếp, làm việc với đồng nghiệp, cấp trên.
Thời gian thấm thoát trôi đi, tôi đã làm việc ở đó, sống cuộc sống như thế gần hai năm, kiến thức tiếng Anh, một chút kinh nghiệm trong công việc cũng đã có, tôi bắt đầu tạo hồ sơ và ứng tuyển các vị trí mà tôi đọc thấy họ đang đăng tuyển trên mạng, trên báo chí, trên đài... Những cuộc thi sơ loại, rồi phỏng vấn tiếng Anh tôi đều tự tin bước tới và vượt qua.
Tôi được nhận vào làm cho một công ty nước ngoài với mức lương khởi điểm cho hai tháng thử việc là 600 USD. Đến với môi trường mới, công việc mới với rất nhiều áp lực tôi lại phải căng sức ra để trau dồi, tích luỹ thêm những kiến thức mới để có thể trụ vững trên đôi chân mà giữ vị trí làm việc này. Đó là những ngày tháng rất đỗi khó khăn đối với tôi khi phải giao tiếp với đồng nghiệp và cấp trên gần như toàn bằng tiếng Anh.

Mấy ngày đầu do nghe phát âm chưa quen lắm, tôi có nghĩ xem họ vừa nói những gì, từng chữ một, thế rồi công việc cũng quen dần. Tôi đã nghe được, nói được một cách dễ dàng hơn, công việc giấy tờ cũng dần đi vào quỹ đạo. Sau hai tháng thử việc tôi được ký hợp đồng mới với mức lương mới không phải là 600 USD nữa mà là 800 USD, và sẽ còn tăng hơn nữa trong tương lai.
Giờ đây mặc dù mới làm việc hơn năm tháng nhưng những khó khăn về tiền bạc đối với tôi đã vơi đi nhiều, tôi đã có đủ tiền để lo cho cuộc sống của mình đàng hoàng hơn, hơn thế nữa cũng có thể giúp đỡ được gia đình phần nào rồi. Mặc dù như vậy nhưng tôi vẫn chưa thấy thoả mãn, vẫn luôn tự nhủ với chính lòng mình rằng không được ngủ quên trên chiến thắng.

Ngoài những công việc ở công ty, hay những chuyến công tác dài ngày, một lúc nào đó có thời gian tôi vẫn không ngừng học hỏi, tìm tòi cho mình những kiến thức mới. Vẫn giữ thói quen học tiếng Anh và không ngủ trước 12h đêm mỗi ngày.
Cho dù thành công của tôi có được ngày hôm nay là chưa lớn nhưng tôi vẫn còn có tuổi trẻ, có được sự quyết tâm, chịu khó, có niềm tin vào tương lai. Vậy nên cuộc sống phía trước còn nhiều chông gai nhưng tôi tin với sự cố gắng không ngừng của mình, rồi thành công sẽ đến với tôi nhiều hơn nữa.
Nguyễn Văn Khánh

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Hàng xa xỉ bị ế: Thà đốt bỏ chứ không chịu hy sinh danh tiếng

Nội dung nổi bật:

Hàng tồn kho của Hermès, Vuitton, Chanel và các thương hiệu cao cấp nổi tiếng được thanh lí rất kín đáo. 

Đốt bỏ: Chỉ có độ chục người trong số 10.000 nhân viên của Hermès chứng kiến việc 'sale off' của hãng: Quần áo hoặc giày… bị ném vào trong một cái hố khổng lồ và nhanh chóng bị thiêu cùng với các loại rác thải khác.

'Sale off' bí mật: Túi xách hiệu Kelly hoặc Louis Vuitton không bao giờ bị đốt bỏ. Bán rẻ các sản phẩm tại hội chợ (không quảng bá rộng), bán tại các cửa hàng tư nhân nhỏ hoặc các khu vực nơi các thương hiệu ít được hiện diện, như Nam Mỹ hay châu Phi.



Dù là hàng hiệu Chanel, Hermès, Louis Vuitton… cực đẹp và cực đắt nhưng không phải mọi mẫu mã sản xuất ra đều bán được hết. Vậy những áo da, đôi giày, túi xách thanh lịch ấy đi về đâu, khi các nhà sản xuất hàng hiệu ấy, thuộc Di sản quốc gia Pháp, lâu nay tuyên bố không “sale off” ?

Bán không hết: Đốt bỏ

Bạn có biết nơi kết thúc của những món hàng không bán được của Hermès, Vuitton, Chanel và các thương hiệu cao cấp nổi tiếng khác ? Không bao giờ LV hay Hermès chính thức bán giảm giá trong cửa hàng của họ. Tuy nhiên, những người có đặc quyền nhất định có thể hưởng lợi từ việc thanh lý hàng một cách rất kín đáo.

Việc “sale off” này được thực hiện vô cùng bí mật, chỉ có độ chục người trong số 10.000 nhân viên của Hermès chứng kiến việc này.
Vào đầu giờ sáng, họ đã có mặt trước lò xử lý chất thải Saint-Ouen ở Seine-Saint-Denis, gần Paris. Cuộc tụ họp bất thường của những người thợ da vốn đã quá quen với xưởng của mình ở Pantin hơn là nhà máy xử lý chất thải với những ống khói to lớn, nơi sẽ biến những sản phẩm sang trọng thành đống tro tàn, cùng với sự tham gia của đại diện pháp luật.
Một nhân chứng xin giấu họ tên kể lại: “Sản phẩm Hermès còn nguyên trong hộp được xe tải chở đến. Nhiệm vụ của chúng tôi là xác nhận tất cả mọi thứ bị phá hủy hoàn toàn và không ai có thể lấy đi bán rẻ hoặc mang về sử dụng”.
Quần áo hoặc giày… bị ném vào trong một cái hố khổng lồ và nhanh chóng bị thiêu cùng với các loại rác thải khác. Cảnh này không được chụp ảnh, các nhân viên của Hermès buộc phải giữ bí mật và cũng là đề tài cấm kỵ của ngành công nghiệp xa xỉ này. Ai có thể hiểu được vào thời điểm phát triển bền vững, hoặc trong khi Pháp đang vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế, hãng sản xuất đồ xa xỉ lại tiến hành loại bỏ hàng tồn kho? Tuy nhiên, họ không có lựa chọn nào khác.
Một cựu lãnh đạo khẳng định: “Đây là giải pháp cuối cùng. Hermès ý thức về hình ảnh tinh tế của mình và đó là cách duy nhất để gìn giữ một thương hiệu độc quyền”.
Tuy nhiên, không chỉ có Hermès hủy hàng tồn kho của mình, cả Chanel, Louis Vuitton, Dior hay Prada… cũng làm thế. Theo ông Serge Carreira, chuyên gia về hàng xa xỉ, thuộc viện nghiên cứu Sciences-Politiques (ngành quản trị kinh doanh) , Pháp: “Tuy là một thương hiệu sang trọng hấp dẫn, nhưng không thể bán hết mọi thứ. Đó là hàng may sẵn, sản xuất theo mùa và theo mốt nhất thời, chúng làm tăng lượng hàng tồn, nên có thể bỏ”.
Thế nhưng túi xách hiệu Kelly hoặc Louis Vuitton không bao giờ bị đốt bỏ.

Những cách sale off bí mật

Trước khi đến giai đoạn “kịch tính” này, các nhãn hiệu xa xỉ cũng có cách chọn lựa ít cực đoan hơn, nhằm “sơ tán” hàng hóa của họ.
Hàng xa xỉ bị ế: Thà đốt bỏ chứ không chịu hy sinh danh tiếng (1)
Cửa hàng Hermes trong sân bay Paris-CDG - Ảnh: CPP - Luxurycom
Tận trong sâu vùng Malakoff tỉnh Hauts-de-Seine, tại Espace Clacquesin, một nhà máy chưng cất rượu cũ được cải tạo lại, nhà Louis Vuitton đã tổ chức bán hàng cách kín đáo vào ngày 21.6.2013. Tuy nhiên, ngày trước đó các nhân viên của họ đã “thu gom” bớt một phần sản phẩm không bán được. Giá cả thật hấp dẫn: có loại giảm 50%, như áo tắm giá 550 Euro nay chỉ còn 275 Euro.
Tuy vậy, không phải ai cũng biết, Vuitton chỉ cho một số người được ưu tiên tiếp cận với các sản phẩm giá hời. Vì với đa số công chúng, chỉ có một quy tắc được người chủ cũ của thương hiệu là Yves Carcelle lặp đi lặp lại: “Vuitton không bao giờ bán giảm giá”.
Bán hàng cho tư nhân là cách tốt nhất để các thương hiệu lớn “xả hàng” ồ ạt. Hệ thống máy tính có thể cho biết lượng hàng không bán được hàng tuần tại các cửa hàng và cho phép hạn chế hàng tồn kho, nhưng ngoại trừ nhãn hàng thời trang Prada của Ý có cửa hàng trong vùng ngoại ô thành phố Florence để giảm tồn kho, không một thương hiệu tên tuổi nào phó thác sản phẩm của mình cho bên thứ ba bán trong các cửa hàng. Vậy, nguyên tắc bất di bất dịch về độc quyền sẽ vẫn còn?
Trong suốt 2 năm, Chanel đã cất giấu bộ sưu tập quần áo may sẵn và các phụ kiện vào kho của mình, gần Chantilly, tỉnh Oise. Vì vậy, những món hàng này trở nên lỗi thời khi được trưng bày tại Espace Champerret vào tháng 10, cùng với danh sách những khách VIP sẵn sàng đứng nối đuôi hàng giờ chỉ để mua một túi xách vài trăm euro. Một nhân viên Chanel tiết lộ: “Sản phẩm được bán chỉ có giá bằng từ 10 đến 20% giá bán lẻ”. Với giá này, khách hàng chấp nhận tất cả, kể cả việc thay đồ bên ngoài vì thiếu phòng thay đồ!
Hermès không để dành hàng của mình cho những người có đặc quyền. Hàng năm, nhà sản xuất đồ da lâu đời này đều hẹn với người hâm mộ tại Cung Hội nghị Paris. Không cần phải phô trương ầm ĩ, chỉ cần chèn một dòng nhỏ trên báo Le Figaro, như lời một người bán hàng: “Lời truyền miệng có tác dụng tuyệt vời”. Quần áo may sẵn, cà vạt, giày dép, vải… đều có mức giảm dao động từ 40 đến 60%. Tùy theo năm, ba ngày bán hàng trung bình có thể giảm khoảng 3/4 lượng hàng tồn kho.
Cuối cùng, các thương hiệu sang trọng đã có giải pháp, không cần phải vứt bỏ, chỉ đơn giản là số hàng tồn sẽ được mua lại cách bí mật. Ông Maurice Goldberger, quản lý công ty Chiron cho biết: “Mỗi năm công ty mua từ 2 đến 3 triệu đô-la hàng hiệu, đặc biệt là đồng hồ Thụy Sĩ”.
Còn ông Michaël Benabou, một đối tác của trang mạng Vente-privée và chuyên gia thị trường cao cấp xác nhận: “Ông ấy bán lại các sản phẩm tại Mỹ và Canada, những nước mà việc bán xả hàng tồn kho rất phổ biến và có thể cùng tồn tại với mạng lưới các cửa hàng truyền thống. Ông cũng bán nó tại các khu vực nơi các thương hiệu ít được du nhập, như Nam Mỹ hay châu Phi”.
Còn có những người mua khác như công ty cha con nhà Simah, hoạt động trong hơn 20 năm tại Pháp với khoảng 30 thương hiệu cao cấp. Rất kín đáo, công ty nhỏ do gia đình điều hành này bán những món hàng rất đẹp, mà theo cậu con trai Kevin Simah là: tại những xứ hàng hiệu ít được đưa vào bán.
Anh đã mở cửa hàng đầu tiên của mình bán những mặt hàng xa xỉ tại Paris. Thử thách của anh là gì? Thuyết phục các thương hiệu lớn đừng đưa hàng tồn của họ đến lò thiêu!

Khách hàng tốt

Thế nào là khách hàng tốt?
Khách hàng tốt chỉ là một khái niệm mang tính thời điểm. Lúc này tốt, lúc sau tồi, đó là điều tất nhiên
Các ông lớn như Yahoo, GM, Nokia, Blackberry... rồi sắp tới là apple. Ông sau đạp ông trước lên, rồi cuối cùng ông sau đó lại bị thằng khác đập. Nếu lãnh đạo không tinh ý, không linh hoạt trong kinh doanh, biết thời cuộc, biến đổi để phù hợp thì chắc chắn cuối cùng sẽ có ngày bị đào thải. Mà cũng nhanh lắm, không lâu đâu...
Sự sụp đổ cũng hình thành ngay trong sự thịnh vượng. Hai mặt đối lập luôn tồn tại, chỉ có mặt nào trội hơn mà thôi.
Những công ty siêu khủng như vậy, đứng đầu thế giới như vậy cũng có lúc phá sản, lâm vào nợ nần,...thì những công ty "khách hàng tốt" của mình có là cái gì?
Vì vậy hồ sơ luôn phải khép kín!

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Muốn nhanh thì phải...từ từ


""Các bạn còn trẻ, còn nhiều cơ hội, nên đi từng bước một, chắc chắn. Đừng làm gì nôn nóng quá sức của mình, để rồi có thể có những quyết định sai lầm..."
Đừng có ngựa non háu đá...

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Ngu...

Hôm qua chính mồm nói với bạn : Đừng tin bất cứ ai cả, ai nói cũng phải tra lại văn bản, quy định...
Hôm nay dính ngay điều ấy. Quá khứ Không đọc văn bản, quy định, nghe lời một người bâng quơ. Và bây giờ có thể ngậm trái đắng...
Dự cảm xấu, rất xấu....

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

4h30p...

Thời gian 3 - 5 năm từ sau khi ra trường, là thời gian tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống và tiền bạc, chứ không phải là thời gian hưởng thụ, tiêu xài và vênh váo...

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Giá trị thực

Sáng nay đi đám cưới, bất chợt mình tháo vỏ ốp điện thoại ra. Nó cầm nhẹ hơn hẳn, mỏng hơn hẳn. Cầm cũng thích hơn tuy không có cảm giác chắc chắn như khi có ốp điện thoại. Cái điện thoại đẹp đẽ của mình , mình nhìn lại thì đã xước hết mặt sau, một số chỗ xước từ bao giờ mình cũng không biết. Mình nhìn lại thấy mình dùng phá quá, đồ xịn hay đắt mình cũng chẳng biết giữ gìn như người ta
Nhưng đấy chỉ là chuyện cái máy. Mình chợt thấy sau một năm ra trường, cái "vỏ bọc" bên ngoài của mình đã nhiều lên rất nhiều. Quần áo đẹp hơn, tóc bắt đầu đi đâu cũng vuốt keo, tay đeo đồng hồ, đeo nhẫn. Trong túi thì có điện thoại cảm ứng, rồi laptop, ipad...mọi người nhìn vào, ồ cậu này nhìn cũng ngon. Có vẻ tiến bộ, ngon hơn 1 năm trước nhiều. Một số người bảo phong độ, mình rất thích bởi vì đó là cái từ mà mình hướng đến.
Sự thực thì cũng chẳng có gì lấy làm vui lắm.
Bỏ lớp vỏ ngoài ra, bỏ quần áo, bỏ phụ kiện ra, còn lại những gì? Bản chất, giá trị thực có tiến bộ không? Không, không tiến bộ. Chí tiến thủ kém đi, khong hề phong độ ra trong tư duy. Bỏ quần áo ra chỉ là một con người trần trụi, thân hình gày gò nhưng bụng hơi béo. Bỏ những chú ý bên ngoài, bên trong trí tuệ chẳng toát lên cái gì cả. Một năm....chỉ là những mong muốn, ước muốn viển vông tầm thường bên cái vỏ bọc bên ngoài...
Muốn điện thoại - Dùng lương mua điện thoại...
Muốn máy tính - Dùng lương mua máy tính
Muốn a, b, c - Dùng lương mua a, b, c...
Đọng lại, giờ trong túi chẳng còn đồng nào cả...
Nhưng,
Muốn giàu có..... nhưng suốt ngày tiêu đến đồng tiền cuối cùng
Muốn thân hình đẹp ..... mua cái máy về nhưng nó không thể tập thay được
Muốn giỏi tiếng anh..... Mua thẻ về nhưng nó cũng không học hộ được
Muốn khỏe mạnh, bền bỉ .... mua giày về nhưng nó cũng không tự chạy được...
Muốn giỏi, muốn thi ai là triệu phú, muốn thông thái ..... Mua sách về nhưng sách nó không tự chui vào đầu được...
Một con người như vậy, có đáng buồn không? Và một năm tới, có thay đổi gì không?
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chẳng mấy sẽ lập gia đình và bước qua ngưỡng 30. Tử thần sẽ không chừa một ai cả, đến lúc rồi sẽ phải chết...Sau khi chết, chúng ta sẽ đọng lại cho cuộc đời này là gì đây?...Hay rồi tan biến như chưa bao giờ tồn tại trên cõi đời này...


Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Giải quyết nỗi sợ hãi

Để giải quyết nỗi sợ hãi, chỉ có một cách đó là đối mặt với nó, không né tránh và giải quyết nó! Hãy giải quyết nhanh và dứt khoát, bản lĩnh để lần sau nó sẽ không còn là nỗi sợ hãi của chúng ta nữa, để nó không thể ám ảnh, làm cuộc sống chúng ta buồn bã được!