Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Một bài viết hay về tài sản đảm bảo


1.001 lý do khiến tài sản bảo đảm mà không đảm bảo
25-04-2012 16:57:35
(ĐTCK) Thực tế hoạt động ngân hàng cho thấy, có 1.001 lý do làm cho nhà đất, vốn là tài sản bảo đảm trở thành không đảm bảo, khiến ngân hàng khóc dở mếu dở.
    Luật sư Trần Minh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đào tạo nghiệp vụ ngân hàng, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO
    Tài sản bảo đảm được coi là phao cứu sinh của hoạt động ngân hàng, đảm bảo ngân hàng có thể thu hồi ít nhất là vốn gốc khi rủi ro khách hàng không trả được nợ xảy ra. Có khoảng 80% tài sản bảo đảm của ngân hàng là nhà đất. Tuy nhiên, thực tế hoạt động ngân hàng cho thấy, có 1.001 lý do làm cho nhà đất, vốn là tài sản bảo đảm trở thành không đảm bảo, khiến ngân hàng khóc dở mếu dở.

    Rủi ro chủ quan: bỏ sót quy trình
    Thực tế, quy trình cho vay của các ngân hàng được xây dựng khá chặt chẽ và hạn chế hầu hết rủi ro. Vấn đề là rủi ro xảy ra thường do quy trình bị bỏ sót hoặc do nhân viên non kém nghiệp vụ không thẩm định, tìm hiểu kỹ lưỡng.
    Từng có ngân hàng cho vay và nhận thế chấp nhà đất ở Nam Định, để cho “tiện”, nhân viên ngân hàng đã đồng ý ký hợp đồng thế chấp tại trụ sở ngân hàng và để khách hàng tự mang đi làm hộ thủ tục công chứng hợp đồng và đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở Nam Định.
    Khi khách hàng trả hồ sơ thì thấy đều hợp lệ nên ngân hàng tiến hành giải ngân. Đến khi khách hàng không trả được nợ, ngân hàng đi kiểm tra mới phát hiện ra tại địa chỉ đó không có nhà và cũng không có giấy tờ nhà đất.
    Hóa ra, khách hàng đã làm giả giấy tờ, hồ sơ để vay được tiền. Những trường hợp giấy tờ giả khá phổ biến trong hệ thống ngân hàng, có trường hợp làm giả toàn phần, có trường hợp sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm từ phôi thật (chỉ giả một nửa) nên rất khó nhận biết.
    Trong nhiều trường hợp, ngân hàng mất tiền vì không thực hiện đầy đủ thủ tục liên quan đến tài sản thế chấp. Chẳng hạn, Ngân hàng V cho khách hàng vay 10 tỷ đồng, tài sản thế chấp là bất động sản, nhưng từ năm 2001 đến nay, sau nhiều năm kiện tụng, vụ kiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và đương nhiên ngân hàng chưa thể thu hồi nợ.
    Một phần nguyên nhân là do ngân hàng chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan đến tài sản thế chấp, hợp đồng thế chấp  không được công chứng theo đúng quy định. Bên thế chấp căn cứ vào điểm này để cho rằng, hợp đồng thế chấp vô hiệu nhằm không phải thực hiện trách nhiệm trả nợ với ngân hàng.
    Thực tế cho thấy, có nhiều ngân hàng bỏ qua việc lập hợp đồng thế chấp, công chứng, chứng thực hợp đồng khi cho vay ngắn hạn 1 - 2 tuần, nhưng lại cầm luôn “sổ đỏ” của khách hàng để gây áp lực trả nợ.
    Tuy nhiên, khi khách hàng không trả được nợ, ngân hàng đã phải giao trả sổ đỏ, bởi pháp luật coi như chưa có hợp đồng thế chấp. Ngoài ra, không ít trường hợp ngân hàng không thể xử lý tài sản bảo đảm, bởi đây là tài sản chung của hai vợ chồng, nhưng chỉ đứng tên một người và chỉ có một người ký hoặc tài sản thuộc đồng thừa kế của nhiều người, nhưng chỉ một số đồng thừa kế ký hợp đồng thế chấp.
    Như vậy, nhà đất tưởng là tài sản cố định, không thể di dời, không mất đi đâu được thì rất là bảo đảm và có giá trị, nhưng đã dễ dàng trở thành không đảm bảo. Chưa kể, có ngân hàng làm thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp, nhưng lại không đăng ký giao dịch bảo đảm kịp thời hạn, dẫn đến khách hàng đi đăng ký thế chấp cho một giao dịch trước đó và ngân hàng trở nên mất quyền ưu tiên khi xử lý tài sản thế chấp, tức là gần như cũng mất luôn tài sản bảo đảm.
     Bất động sản là tài sản đảm bảo phổ biến ở Việt Nam
    Những lý do khách quan và cạm bẫy pháp lý
    Cách đây vài năm, một ngân hàng TMCP lâm vào tình huống dở khóc dở cười khi tài sản bảo đảm là nhà đất của một khoản vay trôi tuột theo một vụ sạt lở đất. Ngân hàng chỉ còn cách chấp nhận mất khoản vay đó, bởi “con nợ” không có khả năng trả nợ, mà tài sản bảo đảm nay đã biến mất.
    Tương tự, các vụ sạt lở đất tại Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP. HCM) đã chôn vùi vào lòng sông hàng chục căn hộ và cũng cuốn theo khối tài sản không nhỏ của ngân hàng được dùng để thế chấp. Thế nên, nhiều ngân hàng đã yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm cho tài sản bảo đảm.
    Đây là một phần rủi ro liên quan đến tài sản bảo đảm của ngân hàng, mà nguyên nhân chủ yếu là yếu tố khách quan, đến từ bên ngoài và ngân hàng rất khó kiểm soát. Đáng nói là trong số rất nhiều rủi ro thực tế đã xảy ra, những rủi ro đến từ chính sách, pháp luật cũng không ít. Chẳng hạn như hiện tại, nhà và đất được quản lý riêng, nhà do Bộ Xây dựng quản lý theo Luật Nhà ở, đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý theo Luật Đất đai. Từ năm 2003, Luật Đất đai có hiệu lực, song Luật Nhà ở đến ngày 1/7/2006 mới có hiệu lực.
    Điều này dẫn đến trường hợp có ngân hàng cho vay, tài sản thế chấp là 450 m2 đất ở khu vực khá đắt đỏ của Hà Nội của một bên thứ ba. Sau một thời gian, bên thế chấp xây một biệt thự trên đất đó.
    Khi khách hàng không có khả năng trả nợ, ngân hàng muốn xử lý tài sản thế chấp nhưng không được, bởi hợp đồng thế chấp chỉ có tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở vẫn thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba và bên này không thế chấp nhà hay tài sản gắn liền với đất.
    Không có cách nào để “bê” biệt thự đi nơi khác, ngân hàng đành làm “ngơ’ đối với khoản vay nói trên. Đáng nói là, đến nay vẫn còn ngân hàng chưa nhận thức được rủi ro này để đưa những điều khoản về nhận cả tài sản hình thành trên đất trong tương lai vào hợp đồng.
    Ngược lại, cũng có khách hàng chỉ thế chấp nhà mà không thế chấp đất và hậu quả là ngân hàng lâm tình huống tiến thoái lưỡng nan, khi mà tài sản bảo đảm tuy có và ngân hàng có toàn quyền xử lý, nhưng chỉ có điều ngân hàng không cách nào xử lý được. Bởi lẽ, tài sản bảo đảm là khung nhà xưởng của một doanh nghiệp và ngân hàng không cách nào bán được, do không có ai mua. Thậm chí, ngân hàng còn bị khu công nghiệp giục đến lấy nhà xưởng về để trả đất thuê cho khu công nghiệp. Chẳng biết mang nhà xưởng về để đâu, ngân hàng đành coi như mất.
    Luật pháp có quy định về những loại tài sản không được đem thế chấp, chẳng hạn như đất thuê của Nhà nước trả tiền hàng năm. Luật Đất đai năm 2003 không cho phép thế chấp đất thuê của Nhà nước, bởi tài sản là của Nhà nước, nếu khách hàng không trả được nợ, ngân hàng không thể xử lý tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp được thế chấp nếu là đất thuê trước ngày 1/7/2004 và đã trả tiền thuê đất nhiều năm, thời hạn còn lại không ít hơn 5 năm.
    Đây thực chất là cạm bẫy pháp lý cho ngân hàng, vì nếu ngân hàng cứ áp dụng điều luật máy móc và nhận tài sản thế chấp là đất thuê, thì khi khách hàng không trả được nợ, ngân hàng chỉ có thể xử lý tiền sử dụng đất trả trước cho Nhà nước và giá trị bồi hoàn, nếu có.
    Cả hai đối tượng này đều thuộc diện khó đòi, bởi tiền bồi hoàn còn bù đắp cho những yêu cầu tối thiểu khác, tiền thuê đất thì loay hoay đòi nợ và xử lý cũng vừa hết vài năm, tức số tiền thuê cũng không còn.
    Để bảo vệ túi tiền, ngân hàng cần chú trọng vấn đề tài sản, đòi hỏi nhân viên ngân hàng phải nắm chắc các quy định pháp lý của Việt Nam liên quan đến các loại tài sản, sở hữu, thừa kế, hôn nhân gia đình…
Luật sư Trần Minh Hải

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Phía sau chuyện ngân hàng kích cầu bất động sản

Gần đây, dư luận tỏ ra khá bất ngờ khi các ngân hàng chạy đua kích cầu bất động sản thông qua việc ồ ạt cho vay mua nhà tại các dự án.

Câu chuyện cũng có thể giản đơn nếu suy diễn theo hướng, rằng bất động sản đang lâm cảnh khó khăn, việc các chủ đầu tư bắt tay với các ngân hàng để kích cầu, thu hút khách hàng, qua đó tăng tính thanh khoản cho thị trường cũng là chuyện dễ hiểu. Và tất nhiên, người chịu thiệt trong chiến lược này rất có thể là doanh nghiệp, chủ đầu tư khi phải gánh hộ khách hàng những khoản ưu đãi lãi suất từ phía các ngân hàng.

Tuy nhiên, nếu lật giở từng giai đoạn hay từng “cái bắt tay” của các ngân hàng với các chủ đầu tư trước đó - thời điểm mà bất động sản đang ở thời kỳ “đỉnh cao phong độ” và các ngân hàng “hùng hồn” tuyên bố rót hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án, mới thấy được câu chuyện kích cầu bất động sản hiện nay không đơn giản như ai đó vẫn nghĩ.

Vì nhiều áp lực?


Kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố cởi trói giới hạn tín dụng gần như toàn bộ cho lĩnh vực bất động sản hồi đầu tháng 4/2012, nhiều ngân hàng thương mại lớn dường như đã tiếp thu “ngay và luôn” chủ trương này bằng việc đổ xô cho vay mua nhà tại các dự án bất động sản.

Điều này được dư luận, đặc biệt là giới đầu tư kinh doanh bất động sản đánh giá rất cao, bởi nó được ví như một nguồn oxy quý giá giúp thị trường vượt qua cơn khát vốn đối với cả chủ lẫn khách hàng trên thị trường bất động sản trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, xét về nghiệp vụ và những quy chuẩn trong hoạt động tín dụng thì việc các ngân hàng ồ ạt cho vay mua nhà có thể sẽ vi phạm quy định trong hoạt động tín dụng. Bởi lẽ, với các gói cho vay mua nhà mà theo các ngân hàng quảng bá là 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm chính là các khoản vay dài hạn, trong khi vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn và các ngân hàng chỉ được dùng tối đa 30% vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn.

Bình luận về động thái này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, ông rất bất bình, bức xúc trước việc các ngân hàng Việt Nam lấy vốn huy động ngắn hạn mang đi cho vay dài hạn mua nhà, đầu tư dự án, trong bối cảnh Việt Nam chưa có một cơ quan bảo lãnh tín dụng như ở Mỹ hay nhiều nước khác.

“Đành rằng việc nới lỏng tín dụng đối với bất động sản tại một số dự án là theo chủ trương của Chính phủ, nhưng bản thân dòng vốn của các ngân hàng là vốn ngắn hạn, nên nếu càng lao vào bất động sản thì có thể họ càng gặp khó”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Đặc biệt, nếu để ý thì sẽ thấy hiện chỉ có các ngân hàng quốc doanh mới mạnh tay với các gói cho vay mua nhà hỗ trợ lãi suất. Theo các chuyên gia, động thái này có thể phục vụ cho khá nhiều mục đích, trong đó nổi lên là áp lực cải thiện tăng trưởng tín dụng.

Bởi lẽ, ngay như một ngân hàng lớn là Vietinbank, thì 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng đã giảm 3,1%, trong khi ai cũng biết 80 - 90% lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc vào tín dụng...

Cũng có ý kiến cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc cầu vay vốn tại doanh nghiệp hiện quá thấp do hàng tồn kho nhiều cũng như các điều kiện cho vay xấu đi khi nền kinh tế khó khăn, trong khi cầu tín dụng tiêu dùng (mua nhà) lại có xu hướng tăng khi giá bất động sản đã giảm sâu trong một thời gian dài. Thậm chí cũng có ý kiến cho rằng, đó là cách lách luật khá khéo của các ngân hàng bởi đơn giản là lãi biên tín dụng tiêu dùng (mua nhà) luôn cao hơn nhiều so với cho doanh nghiệp vay để sản xuất.

Nhưng, sâu xa hơn cả và là động lực chính để các ngân hàng mạnh tay cho vay mua nhà chính là họ muốn chung tay cùng với chủ đầu tư giải phóng hàng chục, hàng trăm nghìn căn hộ đang tồn kho. Đó có thể là mũi tên trúng hai đích, trong đó không loại trừ khả năng tự cứu mình, vì nợ xấu và kẹt vốn đầu tư trong các dự án của ngân hàng.

TS. Nguyễn Thị Mùi (Ngân hàng Vietinbank) mới đây khi trao đổi với VnEconomy cũng đã thừa nhận, trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn như hiện nay, nếu các ngân hàng không xem xét, sàng lọc các dự án để cho chủ đầu tư tiếp tục vay thêm thì rất có thể ngân hàng cũng “chết chìm” theo các doanh nghiệp, các dự án.

Hay tự cứu mình?

Những nhìn nhận của các chuyên gia nói trên không phải là không có cơ sở, bởi nếu lật giở lại trong quá khứ, không quá khó để hiểu rằng, ông chủ thực sự của không ít dự án bất động sản chính là các ngân hàng thương mại lớn nhỏ.

Chẳng hạn, mới đây việc Vietcombank công bố bản thỏa thuận hợp tác cho vay mua nhà tại các dự án của Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (Hodeco) không đơn thuần chỉ là cái bắt tay kích cầu bất động sản. Hơn 3 năm trước, cùng với Vietinbank, ngân hàng này đã ký hợp đồng rót vào dự án Gò Sao của Hodeco 500 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư của dự án. Thế nhưng, không may cho ngân hàng là thị trường bất động sản tuột dốc không phanh.

Một trường hợp tương tự của Vietinbank là dự án nhà ở cao tầng 102 Trường Chinh (Hà Nội). Dự án này cũng nằm trong số 31 dự án mà Vietinbank vừa công bố cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi. Được biết, hơn một năm trước, một chi nhánh của ngân hàng này đã cho Công ty Cổ phần cơ điện và Xây dựng Việt Nam (Meco) vay một khoản tiền không nhỏ (310 tỷ đồng, chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư) để triển khai dự án. Tương lai của khoản lợi nhuận và vốn gốc của khoản vay trên có thu về được hay không chỉ có Vietinbank và Meco hiểu rõ hơn ai hết.

Và trong số 31 dự án bất động sản mà Vietinbank công bố hợp tác hôm 21/7, ngoại trừ các dự án được hưởng lãi suất ưu đãi 12%/năm nằm trong chương trình “5.000 tỷ đồng chung tay xây nhà mơ ước”, thì còn có không ít dự án được ngân hàng này thừa nhận là “đã liên kết với Vietinbank”.

Bình luận trước động thái cởi mở cho vay mua nhà của các ngân hàng, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng chủ trương mở hầu bao với một số đối tượng bất động sản là đúng, song cần phải đúng đối tượng, tức là phải hướng đến những người có nhu cầu mua nhà thực sự, những người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, theo ông, nếu việc cho vay mua nhà đó mà có liên quan đến việc các ngân hàng từng cho vay, góp vốn để đầu tư dự án trước đây thì khá nguy hiểm. Các cơ quan quản lý cần phải phát hiện để ngăn chặn.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, giả dụ trong trường hợp nếu các ngân hàng đang kẹt vốn tại các dự án, thì việc tiếp tục bắt tay với chủ đầu tư lại càng khiến ngân hàng thêm kẹt. Muốn giải quyết thì tốt nhất phải tiến hành cho vay ngắn hạn để đồng vốn quay vòng được nhanh hơn.

 “Thực tế trên thế giới cũng đã có nhiều ngân hàng phải dùng tiền mới để cứu tiền cũ, song đó là việc làm nguy hiểm. Do đó, việc các ngân hàng tiếp tục cho khách hàng vay mua nhà chỉ để mong thu hồi được đồng vốn trước đó là việc làm khá rủi ro”, ông Hiếu nói.

Tất nhiên, theo vị này, cũng có thể một số ngân hàng lớn hiện nay bị áp lực về kinh doanh, tăng trưởng tín dụng, trong bối cảnh dư thừa nguồn vốn nên buộc họ phải tìm mọi cách để tháo gỡ điều đó. 

Chuyên gia này khuyến cáo thêm, nguyên tắc cho vay bất động sản đối với doanh nghiệp cũng như cá nhân thì đều phải có nguồn hoàn trả. Nếu không may nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa,… thì việc hoàn trả là rất khó, từ đó khiến cho rủi ro đối với các ngân hàng tăng lên rất cao.

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

“Ai chịu đựng nổi!?”


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Thay vì để DN phải tăng giá tránh lỗ do giá thế giới cao, Chính phủ nên giảm thuế nhập khẩu và trích quỹ bình ổn giá.
“Tôi thật sự lo ngại với cách điều hành giá như hiện nay của Bộ Tài chính và Công Thương. Chính phủ vừa đưa ra gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp (DN) nhằm tháo gỡ khó khăn. Cụ thể hơn, ngày 30-7, Chính phủ đã ban hành nghị quyết với nhiều chính sách như giảm thuế 30% cho DN, miễn thuế thu nhập cá nhân sáu tháng cuối năm 2012… 
Thế mà trong vòng một tháng, giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, gas, nước sạch, viện phí đều tăng cao. Điều này tác động rất lớn đến DN và người dân, DN đã khó lại thêm khổ. Trong một lúc Chính phủ thực hiện hai việc trái chiều nhau khiến dư luận khó hiểu, băn khoăn về cách điều hành chính sách”. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM chiều 3-8.
Kỳ vọng và thất vọng
. Những ngày qua, dư luận rất bất bình vì trong một tháng mà rất nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, gas đều tăng giá? Bà có suy nghĩ gì về điều này?
+ Bà Phạm Chi Lan: Nhiều DN đã kỳ vọng các bộ, ngành tìm cách hỗ trợ, tháo nút thắt vốn, lãi suất bao nhiêu thì nay việc tăng giá các mặt hàng đầu vào làm cho DN và người dân thất vọng bấy nhiêu! Các mặt hàng tăng giá vừa qua đều được Nhà nước vận hành và kiểm soát trực tiếp, tuy nhiên mới chỉ dừng lại điều hành giá chứ chưa vận hành theo cơ chế thị trường bởi chúng ta chưa có cơ chế thị trường, tức là chưa cạnh tranh minh bạch, sòng phẳng. Vấn đề này báo chí và chuyên gia kinh tế nói nhiều lần nhưng xem ra cơ quan điều hành chưa tiếp thu.
. Cả nền kinh tế đang dồn sức cứu DN bằng việc hạ lãi suất cho vay, giải phóng hàng tồn kho, nôm na là tháo đầu ra. Trong khi đó, liên bộ Công Thương - Tài chính lại cho tăng giá đầu vào. Vô hình trung chúng ta hô hào cứu DN cũng như không, thưa bà?
+ Đúng thế, đây là chính sách điều hành không thiết thực, đầu ra thì tháo mà đầu vào tăng, hóa ra chẳng có ý nghĩa gì cho DN và người tiêu dùng. Hiện nay, mặc dù việc tiếp cận vốn của DN vẫn còn khó khăn, đang trong quá trình thương thảo với các ngân hàng đưa lãi vay về mức hợp lý nhưng DN vẫn có một niềm tin vào điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. DN chưa kịp mừng thì giá cả đầu vào tăng khiến DN tháo được chỗ này lại phình ở chỗ kia, niềm tin giảm sút. Bởi niềm tin của DN và dư luận phụ thuộc rất nhiều vào cách điều hành của Chính phủ, nó là cơ sở để đóng góp cho sự bình ổn của nền kinh tế khó khăn.
Đừng để DN tạo sức ép lên các bộ
. Biết rằng giá cả thế giới tăng thì giá trong nước tăng là điều khó tránh khỏi nhưng nhiều ý kiến cho rằng thay vì tăng giá, Bộ Tài chính nên chỉ đạo trích quỹ bình ổn hoặc giảm thuế nhập khẩu cho DN. Bà nhận định thế nào về ý kiến này?
+ Tôi đã từng phản ánh nhiều lần đừng bao cấp giá các mặt hàng mà Nhà nước nắm chi phối. Trong trường hợp nếu mặt hàng đó tăng với lý do chính đáng, đưa ra minh chứng cụ thể, tạo niềm tin cho xã hội thì tăng giá là điều chấp nhận.
Tuy nhiên, một thực tế các mặt hàng thiết yếu của chúng ta đang ở tình trạng độc quyền, phụ thuộc lớn vào DN chi phối. Tôi xin dẫn chứng, giá điện tăng từ 1-7 nhưng Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và Bộ Công Thương lại không giải trình hợp lý, để cho DN đưa ra những con số đơn giản mà không có sự so sánh tăng-giảm ra sao, thời điểm nào…
Với cách tính của ngành điện và thực trạng thua lỗ kinh doanh của EVN, cứ ba tháng tăng giá một lần mức 5%, tính ra mỗi năm tăng trên 20%, đó là chưa kể mức chênh lệch giữa các lần. Hay như xăng dầu, 10 ngày điều chỉnh giá, nếu tăng thì không quá 7%/lần, tính chung một tháng khoảng 20%, kể cả mức chênh lệch các lần tăng nữa thì cũng phải lên đến 25%. Với mức tăng như thế người dân và DN làm sao chịu nổi?!
Ở đây cái cốt yếu nằm ở các bộ chủ quản không có sự thúc ép đối với DN, ngược lại luôn tạo điều kiện để cho DN thực hiện quyền độc quyền chủ động khi điều chỉnh giá. Chính DN lại tạo sức ép lên các bộ.
. Vậy thay vì để các DN tăng giá để tránh lỗ thì bộ ngành quản lý cần làm gì?
+ Tôi nghĩ trong điều hành chính sách giá, đừng làm cho mọi việc khó hiểu, người dân rất muốn minh bạch rõ ràng, đơn giản. Đáng ra, trong lúc giá xăng dầu thế giới lên cao, thay vì để DN trong nước tăng giá, Bộ Tài chính nên sử dụng quỹ bình ổn giá hay giảm thuế nhập khẩu. Đừng mỗi lần giá lên cao lại đưa người tiêu dùng ra gánh.
Chỉ thành công trước mắt
. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hai tháng qua đều ở mức âm, tại họp báo Chính phủ mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam dự báo CPI tháng 8 có thể tiếp tục âm. Liệu đây có phải cái cớ để cơ quan điều hành cho các DN tăng giá mặt hàng thiết yếu?
+ Tất nhiên trong lúc lạm phát giảm, việc tăng giá các mặt hàng năng lượng, lương thực không tác động đến chỉ số CPI, bởi nhiều dự báo cho rằng lạm phát cả năm nay chỉ khoảng 7%-8%. Như vậy là Chính phủ thành công kiềm chế lạm phát dưới hai con số. Tuy nhiên, các nhà điều hành chính sách mới chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà họ không tính đến sự đình trệ của cả nền kinh tế. Các nhà quản lý hãy thử dạo một vòng ngoài thị trường xem có bao nhiêu cửa hàng treo biển giảm giá, khuyến mãi 50% mà vẫn không bán được hàng, nhiều siêu thị điện máy hàng tồn kho chất đống, không có tiền trả thuê mặt bằng. Vậy việc để tăng giá lúc này có nên không?
. Theo bà, với hoàn cảnh hiện nay, chúng ta nên có những điều chỉnh ra sao để hài hòa cho DN và nền kinh tế?
+ Tôi xin nhấn mạnh với cách điều hành giá thị trường theo kiểu “nửa vời” như hiện nay thì rất khó thay đổi, chỉ khi nào có sự cạnh tranh đúng nghĩa, sát thực tế thì may ra mới giải quyết được.
Tôi có cảm giác bộ chủ quản và cơ quan điều hành giá đang phó thác hết cho DN độc quyền rồi đổ trách nhiệm cho họ. Các bộ vẫn chưa làm hết trách nhiệm giám sát sự minh bạch, thay mặt người dân để bảo vệ quyền lợi. Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ từng nói: “Giải pháp của mọi giải pháp là chúng ta phải công khai và minh bạch về chính sách, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng”. Thế nhưng tính đến nay cách điều hành giá xem ra lại đi ngược với cam kết.
. Xin cảm ơn bà.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tính đến hết tháng 7, cả nước có gần 40.000 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn hơn 247.000 tỉ đồng, giảm 12,7% về số DN và 11,6% số vốn so với cùng kỳ 2011. Đồng thời, có hơn 30.000 DN gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 6,4% so với cùng kỳ 2011.

Theo Trà Phương
Pháp luật Tp.HCM